“Đại tướng là tấm gương sáng để tôi noi theo”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/10/2013 | 8:42:23 AM

YBĐT - Rất nhiều lần tiểu đội cảnh vệ đang ăn cơm tối thì Đại tướng đi làm về, đại tướng không lên phòng ngay mà vào tận mâm cơm, nhúp một miếng cháy hoặc cọng rau luộc đưa lên miệng ăn rất dân dã.

Đảng bộ xã Cát Thịnh (Văn Chấn) lập bàn thờ thắp hương
viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
(Ảnh: Quang Sơn)
Đảng bộ xã Cát Thịnh (Văn Chấn) lập bàn thờ thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Quang Sơn)

Có thể nói, trong lòng người dân đất Việt và cả bạn bè quốc tế, một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi là kỷ niệm khó phai, một vinh dự lớn, bởi ông có một sức hút kỳ lạ và là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Mấy ngày qua, những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn cuốn hút mọi người. Chuyện kể của ông Lê Quang Đề, thôn Ninh Thuận, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên về Đại tướng dưới đây cũng là một câu chuyện như thế.

Trong căn phòng nhỏ, Trung tá Lê Quang Đề - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nga Quán ngồi trầm lặng, nét rưng rưng đầy xúc cảm khi bàn tay người cựu chiến binh già lật giở cuốn album xem lại những tấm ảnh ghi dấu một thời chiến đấu oanh liệt tại chiến trường miền Nam, bên nước bạn Campuchia và nhất là những năm tháng cùng với các đồng chí, đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, nhất là bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thủ đô Hà Nội.

“Nhập ngũ năm 1963, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi đi làm nhiệm vụ quốc tế đánh đuổi bè lũ Pôn pốt bên nước bạn Campuchia, cuối năm 1979 tôi và một số đồng chí trong đơn vị nhận lệnh về Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ đặc biệt. Về tới Hà Nội, chúng tôi mới biết, Quân đội ta quyết định thành lập Binh đoàn 32 (32 nghĩa là ngày thành lập Đảng mùng 3 tháng 2), nhiệm vụ của Binh đoàn là tham gia bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và cán bộ cao cấp của Nhà nước và quân đội. Mỗi người mỗi nhiệm vụ, tôi được phong hàm thiếu tá và làm việc tại Ban Quân lực của Binh đoàn, cơ quan đóng quân tại số nhà 7 phố Hoàng Diệu.

Nhiệm vụ của Ban Quân lực rất nhiều, cá nhân tôi phụ trách việc phân công, bố trí lực lượng của Lữ đoàn 44 chuyên bảo vệ Bộ Quốc phòng, gia đình và cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại Tướng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Hoàng Văn Thái (gia đình ba đồng chí ở sát nhau, liền kề với thành Hoàng Diệu, nơi đặt trung tâm chỉ huy của Bộ Quốc phòng). Những người lính như chúng luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành” như Bác Hồ đã dạy nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cá nhân tôi và tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sỹ trong quân đội ta luôn có một tình cảm đặc biệt.

Tài binh lược đã quá rõ rồi, công lao với đất nước, với dân tộc rất to lớn, ai cũng biết nên có nói bao nhiêu cũng không đủ! Tôi kính phục Đại tướng, coi Đại tướng là người thầy, là tấm gương sáng về đạo đức và lối sống giản dị, thân mật và gần gũi với mọi người, nhất là anh em chiến sỹ. Tôi là cán bộ quân lực nên không trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ bác Giáp; không có may mắn được gặp gỡ và chuyện trò, được bác thăm hỏi, động viên, chỉ bảo nhưng 10 năm làm việc tại Binh đoàn 32 tôi thấy được ở bác Giáp một sự chân tình, cởi mở và gần gũi.

Là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhưng khoảng cách giữa bác và anh em cảnh vệ rất gần gũi. Cả bác Giáp và cô Hà là vợ đồng chí Võ Nguyên Giáp thường xuyên trò chuyện, thăm hỏi anh em cán bộ cảnh vệ. Tiểu đội canh gác có một phòng riêng ngay tầng 1 trong ngôi nhà của gia đình Đại tướng nên sáng ra, tối đến bác Giáp đều nán lại dù chỉ một phút để nói chuyện với anh em; đặc biệt mỗi lần đi công xa về bác Giáp thường có quà, dù chỉ là điếu thuốc, gói kẹo cho anh em. Rất nhiều lần tiểu đội cảnh vệ đang ăn cơm tối thì Đại tướng đi làm về, đại tướng không lên phòng ngay mà vào tận mâm cơm, nhúp một miếng cháy hoặc cọng rau luộc đưa lên miệng ăn rất dân dã như để động viên anh em chiến sỹ; rồi một lúc lại thấy cô Hà đi xuống bưng cho anh em đĩa thức ăn. Cô rất niềm nở bảo rằng: “Các cháu ăn đi cho có sức khỏe để làm nhiệm vụ”.

Những lúc như thế anh em xúc động lắm, tình cảm của vợ chồng Đại tướng với anh em cảnh vệ đúng là tình cảm gia đình, tình cảm cha con! Vợ chồng Đại tướng không những thuộc tên của từng chiến sỹ mà còn nhớ cả quê hương, hoàn cảnh gia đình. Mỗi khi gia đình đồng chí nào có chuyện vui, chuyện buồn hay quê hương gặp thiên tai, lũ lụt, vợ chồng Đại tướng luôn ân cần hỏi thăm, chia sẻ và động viên. Được bác Giáp quan tâm, chỉ bảo như thế nên tiểu đội bảo vệ gia đình Đại tướng, Lữ đoàn 44 và cả Binh đoàn 32 luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.  

Sau 10 năm tồn tại, năm 1989 Binh đoàn 32 giải thể, cán bộ chiến sỹ bàn giao nhiệm vụ quan trọng và tự hào ấy cho đơn vị khác rồi mỗi người được điều chuyển một công tác khác nhau. Ông Lê Quang Đề về nhận nhiệm vụ tại Quân khu II rồi đến năm 1990 được nghỉ hưu tại quê nhà là xã Nga Quán với quân hàm trung tá.

Được tôi luyện trong quân đội, trên chiến trường, có 10 năm trong cuộc đời binh nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ Bộ Quốc phòng và các tướng lĩnh cao cấp của Quân đội ta, đặc biệt là cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Lê Quang Đề luôn kính phục đức tính cao đẹp, sự hy sinh quên mình và cả phong cách gần gũi, thân mật với cán bộ, chiến sỹ của Đại tướng. Ông coi Đại tướng là tấm gương sáng để mình noi theo và với đức tính ấy, phong cách ấy, dù nghỉ hưu nhưng ông vẫn được cấp trên tin tưởng, đồng chí tín nhiệm giao chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Nga Quán từ năm 1993 đến năm 2000.

Trên “trận tuyến” mới, ông và các đồng chí trong tập thể Đảng ủy xã đã lãnh đạo nhân dân, xây dựng phong trào, đưa Nga Quán trở thành vùng quê bình yên và no ấm. Từ khi nghỉ hẳn công tác về nhà sống vui với vườn na, đàn gà, luống rau…, ông Lê Quang Đề vẫn giữ gìn đạo đức cách mạng, sống gần gũi, thân mật với bà con lối xóm.

Ông Đề tâm sự: “Hôm rồi nghe tin Đại tướng qua đời, tôi đã lặng đi vì thương nhớ, thật tiếc là ở cái tuổi ngoài 70 tôi không còn sức mà về Hà Nội thăm viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người thầy đáng kính của mình. Tôi đã gọi cho các con hiện đang công tác ở Hà Nội, nhắc các cháu dù có phải đợi lâu, dù thời tiết mưa hay nắng cũng phải đến nhà bác Giáp mà kính viếng để rèn luyện và noi theo ý chí, nghị lực, sự hy sinh và đức tính của bác!”.

Ông Lê Quang Đề đã kể như vậy khi linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chuẩn bị được đưa về quê nhà Quảng Bình thân thương.

Lê Phiên

Các tin khác
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đúng 9 giờ ngày 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Sáng 20/5, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sáng nay - 20/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã dự Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể vào ngày 20/5.

Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục