Vẹn nguyên ký ức mùa xuân ấy
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/10/2013 | 2:47:40 PM
YBĐT - Gần ba mươi năm kể từ ngày được gặp Đại tướng, giờ chúng tôi đã trở thành những cán bộ vững vàng về chuyên môn, công tác tại một tỉnh miền núi nên tự thấy mình đã làm được một phần những điều gửi gắm của Đại tướng năm xưa. Và hình ảnh ấm áp, gần gũi, ân cần của vị Đại tướng trong lần gặp gỡ ấy mãi vẹn nguyên.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Vào một ngày mùa xuân năm 1985, lúc ấy tôi đang học Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương tại Việt Trì (Phú Thọ) thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm trường. Đêm trước hôm Đại tướng đến thăm, chúng tôi chỉ được thông báo mai nghỉ học buổi sáng để đón đoàn đại biểu Trung ương.
Đến khoảng gần 8 giờ sáng hôm sau, khi tập trung tại sân trường mới biết người dẫn đầu đoàn đại biểu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe vậy, lòng ai cũng hồi hộp ngóng chờ để nhìn thấy tận mắt vị tướng huyền thoại mà từ trước chỉ được nghe, nhìn thấy qua lời kể, qua sách báo, radio vì lúc ấy đất nước còn nhiều khó khăn của thời kỳ bao cấp nên đâu đã có ti vi để xem như bây giờ.
Phổ biến xong chúng tôi được phân công từng lớp đứng hai bên đường kéo dài khoảng hơn hai trăm mét từ cổng trường vào sân khấu nổi để đón chào Đại tướng. Và rồi đoàn xe chở Đại tướng xuất hiện. Đại tướng đi chiếc xe màu đen đầu tiên. Ông vừa bước xuống xe, tất cả thầy giáo, học sinh đều đồng loạt những tràng pháo tay giòn giã. Đại tướng lúc ấy mới ngoài bảy mươi tuổi nên nhìn da dẻ hồng hào, vóc dáng khỏe mạnh, bước đi đĩnh đạc đúng phong thái của một vị tướng quân đội.
Ông bắt tay một số cán bộ, giáo viên và học sinh đứng ở phần đầu hàng. Về sau, không thể bắt tay hết cả hàng người kéo dài nên Đại tướng vừa đi vào vừa chào theo kiểu quân đội. Nhưng tôi đoán có lẽ vì tiếng vỗ tay đón chào càng lúc càng nồng nhiệt nên ông lại rẽ vào bắt tay học sinh đúng khu vực lớp tôi đang đứng. Và hình như ông đoán học sinh dự bị dân tộc sẽ có nhiều học sinh Tày, Nùng nên ông đã hỏi một người bạn đứng liền với tôi một câu tiếng Tày rằng: “Lan rú tở?. Bạn tôi đáp: “Lan rú Chiêm Hóa (Hà Tuyên). Tôi ngạc nhiên lắm và sau này bạn tôi giải thích là Đại tướng hỏi: “Quê cháu ở đâu?” và bạn tôi nói là ở Chiêm Hóa (Hà Tuyên).
Sau khi Đại tướng cùng đoàn đại biểu cùng cán bộ, học sinh nhà trường đã ổn định chỗ ngồi quanh sân khấu nổi thì Đại tướng ân cần trò chuyện. Ông nói về khá nhiều vấn đề chính sách của Nhà nước quan tâm đến học sinh dân tộc nhưng chúng tôi rất xúc động khi Đại tướng hỏi thăm học sinh ở những nơi ông đã từng hoạt động cách mạng. Thí dụ như: Ai quê ở Cao Bằng? Ai ở Bắc Thái? Ai ở Lai Châu? Ai ở Hà Tuyên... Hỏi tới đâu thì học sinh ở nơi đó đứng lên.
Lát sau ông hỏi rằng: “Quê các cháu còn nhiều người nghèo không? Trường học đã được xây dựng tốt chưa? Có ai không được đến trường không?...”: Lúc sau ông mới nói rằng vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc trước đây đều là chiến khu cách mạng, căn cứ kháng chiến. Đồng bào các dân tộc đã một lòng theo Đảng, dũng cảm đứng lên cùng cả nước đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập tự do.
Bản thân Đại tướng trong sự nghiệp cách mạng của mình đã nhiều năm gắn bó với miền núi, với đồng bào dân tộc nên ông vô cùng biết ơn đồng bào đã đùm bọc, chở che cho cán bộ cách mạng lúc gian nan. Bởi vậy, ông nhắn nhủ các học sinh dân tộc hôm nay được học hành tại trường dự bị này phải học tập thật tốt bởi đây chính là những hạt giống quý nay mai xây dựng miền núi, vùng dân dân tộc, vùng chiến khu cách mạng ấm no, giàu mạnh để xứng đáng với công lao của cha anh…
Gần ba mươi năm kể từ ngày được gặp Đại tướng, giờ chúng tôi đã trở thành những cán bộ vững vàng về chuyên môn, công tác tại một tỉnh miền núi nên tự thấy mình đã làm được một phần những điều gửi gắm của Đại tướng năm xưa. Và hình ảnh ấm áp, gần gũi, ân cần của vị Đại tướng trong lần gặp gỡ ấy mãi vẹn nguyên.
Hoàng Nhâm
Các tin khác

Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng tư lệnh và là người "Anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bắt đầu từ 12 giờ ngày hôm nay (11/10), cả nước chính thức bước vào hai ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc đã qua đời hôm 4/10, thọ 103 tuổi.

YBĐT - Rất nhiều lần tiểu đội cảnh vệ đang ăn cơm tối thì Đại tướng đi làm về, đại tướng không lên phòng ngay mà vào tận mâm cơm, nhúp một miếng cháy hoặc cọng rau luộc đưa lên miệng ăn rất dân dã.

YBĐT - Trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng với nhân dân cả nước, người dân Yên Bái cũng chung niềm đau vô hạn, nhất là nhiều người đã vinh dự được gặp Đại tướng trước đây càng thêm niềm xúc động, tiếc thương.