Đề nghị Quốc hội giữ nguyên tên nước là CHXHCN Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/10/2013 | 11:27:45 AM

YBĐT – Tiếp tục chương trình làm việc, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 2, ngày 22/10, Quốc hội nghe báo cáo về ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp; Báo cáo về phòng, chống tham nhũng…

Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, Trưởng ban Biên tập DTSĐHP năm 1992 – ông Phan Trung Lý, trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII nêu rõ: Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với bố cục và nội dung Dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Qua tổng hợp ý kiến của nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.  Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về quyền con người, quyền công dân không thể bị hạn chế tùy tiện. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 14, bởi vì quy định như trong Điều 14 các quyền con người, quyền công dân “được quy định trong Hiến pháp và luật” là chưa đầy đủ, chưa phù hợp vì còn có nhiều quyền tuy không được quy định trong Hiến pháp và luật nhưng vẫn được tôn trọng, bảo đảm.  Ủy ban DTSĐHP tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lại quy định tại Điều này như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến nói trên và chỉnh lý lại khoản 2 Điều 14 như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Vấn đề Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Theo Ủy ban DTSĐHP, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này tại khoản 1 Điều 51 như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Về quy định chặt chẽ việc thu hồi đất, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.
Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Về hiệu lực của Hiến pháp và việc ban hành Nghị quyết thi hành Hiến pháp: Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp để quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp và các điều khoản chuyển tiếp, khi Hiến pháp có hiệu lực. Ý kiến khác đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp ngay trong Hiến pháp.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Báo cáo về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; báo cáo thẩm tra tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Quốc hội cũng đã nghe trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Đồng thời, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. 

Đức Toàn

Các tin khác
Toàn cảnh hội nghị.

YBĐT - Ngày 22/10, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội nhà báo tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý III.

YBĐT - Năm 2011, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã kiện toàn, sắp xếp lại 121 tổ dân phố phù hợp về quản lý địa lý hành chính ở các xã, phường. Căn cứ pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, năm 2013, thị xã đã thực hiện quy định hai năm tiến hành bầu cử tổ trưởng tổ dân phố nhiệm kỳ mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Sáng 21-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và nhiệm vụ năm 2014 - 2015. Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP.

Huy động trẻ ra lớp và duy trì sĩ số là một trong những nội dung HĐND xã Dế Xu Phình đưa vào chương trình giám sát thường xuyên.

YBĐT - Trong những năm gần đây, thông qua hoạt động giám sát, HĐND xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình, tạo niềm tin với cử tri và nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục