Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân
- Cập nhật: Thứ ba, 28/10/2014 | 4:11:30 PM
YBĐT - Ngày 28/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII đã nghe trình bày Tờ trình, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo của Luật này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
|
Tờ trình dự án Luật ban hành văn bản pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Việc xây dựng dự án luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương với nhiều đổi mới về nội dung nhằm góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả…
Luật mới quy định về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật và tổ chức thi hành văn bản pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa phương; không quy định việc làm, sửa đổi Hiến pháp; không quy định việc ban hành văn bản có chứa quy tắc xử sự, nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, thì dự kiến Chính phủ chuẩn bị dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014), nhưng nay Chính phủ đổi tên thành Luật Ban hành văn bản pháp luật để phù hợp với các quy định của Hiến pháp.
Vấn đề này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc ban hành văn bản pháp luật và các văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp. Vì vậy, việc đổi tên Luật thành Luật Ban hành văn bản pháp luật là cần thiết để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật vẫn còn ý kiến khác nhau.
Báo cáo Quốc hội tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch. Đối với dự án Luật Hộ tịch, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch. Dự án Luật cũng được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Nhìn chung các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với nội dung của dự thảo Luật và góp ý vào một số điều, khoản cụ thể.
Mặc dù giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân tuy có mối liên hệ với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Hộ tịch là những sự kiện quan trọng về nhân thân của công dân (như khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận cha, mẹ, con, dân tộc...) được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ. Còn hộ khẩu và căn cước công dân chủ yếu để phục vụ công tác quản lý trên lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thực tế ở nước ta từ nhiều năm nay, vấn đề hộ tịch, căn cước công dân và hộ khẩu được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác nhau; vấn đề hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý, vấn đề hộ khẩu và căn cước công dân do Bộ Công an quản lý. Do đó, để bảo đảm sự ổn định trong quản lý dân cư, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh như dự án Luật hộ tịch Chính phủ trình Quốc hội.
Thảo luận tại Hội trường về việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành, bởi vì đây là nhu cầu và là quyền của người dân được sử dụng thuận lợi từ nhiều năm nay để bảo vệ lợi ích của mình. Các ý kiến cho rằng đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc một cá nhân ra đời và bắt đầu được hưởng quyền con người, quyền công dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em, Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước có giá trị sử dụng trong nước và ở nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch; lệ phí hộ tịch; thủ tục, thời hạn thời hạn đăng ký hộ tịch; công chức tư pháp, hộ tịch.
Đức Toàn
Các tin khác
Hôm nay (28-10), Thủ tướng có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi ở cung điện Hyderaba House.
YBĐT – Chiều 27/10, trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) đã tham gia ý kiến thảo luận xung quanh về vấn đề này.
YBĐT - Chiều ngày 27/10, Đảng bộ Báo Yên Bái tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 124-KH/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc và tiến tới Đại hội Đảng bộ Báo Yên Bái lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
YBĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 27/10, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về nội dung này.