Xây dựng chương trình hành động xóa đói, giảm nghèo vùng Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ bảy, 17/1/2015 | 9:19:04 AM
Ngày 16/1, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2015.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
Nhiều kết quả đạt được quan trọng của vùng Tây Bắc đã được đánh giá tại Hội nghị, trong đó nổi bật là những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa thôn bản "trắng" đảng viên và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong toàn vùng.
Theo Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ, năm 2014, các tỉnh trong vùng đã thực hiện nghiêm túc các giải pháp của Chính phủ, phát huy nội lực của từng địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế trong vùng tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng đạt 8,14%, (chưa tính các huyện phía tây hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An).
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, sản lượng lương thực đạt trên 4,1 triệu tấn, lương thực bình quân đầu người đạt gần 465 kg/năm.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 83.280 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 101.970 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước đạt trên 45.700 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 24,7 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2013.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư trong vùng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư, điển hình như tỉnh Lào Cai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án với tổng vốn 3.861 tỷ đồng; điều chỉnh 23 dự án, vốn tăng thêm 1.730 tỷ đồng. Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 41 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 2.245,2 tỷ đồng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm phát triển toàn diện; chính sách phát triển giáo dục dân tộc thiểu số và chính sách đối với các trường bán trú đã từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại chỗ.
Chất lượng giáo dục, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được củng cố và phát triển. Tỷ lệ huy động trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi đến trường của vùng Tây Bắc đã đạt trên 97%. Hộ nghèo toàn vùng còn 17,9%, giảm 4,6% so với năm 2013.
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong toàn vùng được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân; nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại và các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì, phát triển. Hoạt động đối ngoại được phát triển cả chiều sâu và chiều rộng. Các địa phương trong vùng tiếp tục duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị với các tỉnh nước bạn Lào; phát triển các mối quan hệ với vùng, lãnh thổ và tổ chức quốc tế.
Công tác phát triển đảng viên được các địa phương quan tâm triển khai đạt kết quả tốt, nhất là ở những thôn bản chưa có hoặc có ít đảng viên. Trong năm, toàn vùng đã kết nạp được trên 27.000 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên lên trên 689.000 người; thêm 1.264 thôn, bản có chi bộ và 9 thôn, bản có đảng viên.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, đó là đời sống của một bộ phận người dân trong vùng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 17,9%. Trình độ và năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế, yếu kém. Công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đảng viên nữ gặp nhiều khó khăn.
Việc bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số cấp cơ sở còn bộc lộ những tồn tại hạn chế, nhất là cơ cấu cán bộ theo thành phần dân tộc.
Bên cạnh đó, tình trạng di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số diễn biến phức tạp; nguồn lực nhằm ổn định đời sống cho đồng bào di cư tự do còn nhiều khó khăn.
Tình trạng tuyên truyền đạo trái pháp luật còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Tình hình khiếu kiện, tố cáo, xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán phụ nữ và trẻ em, nhất là tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng.
Các đại biểu kiến nghị chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát hành trái phiếu đầu tư hạ tầng cho vùng Tây Bắc, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xóa thôn, bản "trắng" đảng viên, quan tâm chăm lo công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện chính sách đối với trường bán trú...
Đánh giá khái quát tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc, nêu những mặt đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2015, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công, có chương trình, kế hoạch hành động rõ ràng.
Các địa phương trong vùng cần tiếp tục xây dựng chương trình hành động cụ thể chống đói nghèo, hướng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tích cực áp dụng khoa học công nghệ để phát triển công nghiệp, nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phát triển một số cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng Tây Bắc, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc xây dựng một số mô hình triển khai có hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cao hơn trong nông nghiệp.
Chỉ rõ công nghiệp rừng vẫn là lối ra quan trọng cho các địa phương miền núi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án giúp các địa phương phát triển nghề rừng, chuyển giao kỹ thuật, hướng đến chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ trong nông nghiệp.
Phó Thủ tướng cho rằng, quy hoạch dân cư biên giới là vấn đề cần phải đặt ra hiện nay, phải quy hoạch đầu đi, đầu đến chủ động hơn, cùng với đó là lồng ghép các chương trình xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Các tỉnh cần chú trọng công tác dân vận, thay đổi cách tuyên truyền vận động, không để đồng bào mất lòng tin, không để dân đói, bệnh tật xảy ra.
Nêu rõ năm 2015, tình hình kinh tế trong nước còn khó khăn, trước Đại hội Đảng, các thế lực thù địch đang tấn công, bịa đặt, vu khống, lôi kéo, kích động gây chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần hết sức chú ý đến việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển đảng, xóa các thôn bản "trắng" đảng viên.
Lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng cần kiểm soát chặt chẽ an ninh biên giới, không để ma túy, heroin thẩm lậu vào nội địa; triệt phá các đường dây buôn bán người, buôn bán hàng lậu; không để các thế lực thù địch móc nối hoạt động gián điệp, hình thành lực lượng chính trị đối lập ở Tây Bắc cũng như hoạt động tà đạo trái phép.
Chính quyền địa phương cần chú trọng giữ gìn những nét văn hóa dân tộc, xây dựng biên giới hòa bình, đoàn kết.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT – Ngày 16/1, Đảng bộ Báo Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá nhiệm vụ công tác Đảng năm 2014, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.
YBĐT - Theo ông Trần Hiệp Sỹ - Phó chủ tịch HĐND huyện Văn Yên (yên Bái), trong thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBND, Ủy ban MTTQ huyện luôn có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó phải kể đến sự phối hợp có hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp thu và trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
YBĐT - Hoạt động của HĐND thành phố Yên Bái trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, đặc biệt trong hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan dân cử, chiếm được niềm tin với cử tri và nhân dân.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.