Trận đánh cuối cùng

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/4/2015 | 10:07:52 AM

YênBái - YBĐT - Từ 17 giờ ngày 26/4/1975, pháo binh của quân ta dồn dập bắn vào Nhơn Trạch, Hố Nai, Biên Hoà, Đồng Dù trong hướng tiến Tây Bắc vào Sài Gòn.

Các chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh 2 trên đường vào Nam chiến đấu.
Các chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh 2 trên đường vào Nam chiến đấu.

Ngày 25/4/1975, đơn vị tôi hành quân đến xóm C Nhỏ. Đêm đã về khuya. Mảnh trăng lưỡi liềm đầu tháng đã tà tà gác bóng tre làng. Nghe tiếng bước rậm rịch của đoàn quân, bà con bừng tỉnh dậy, châm đèn, mở tung cửa sổ, ùa ra đường đón bộ đội. Lòng người dân ở đây chắc cũng đang phấp phới như lá cờ giải phóng đang tung bay trước gió kia. Xóm là nơi giáp ranh giữa vùng giải phóng và vùng bị địch tạm kiểm soát. Đứng ở cuối làng có thể nhìn thấy những bốt gác của địch. Dân ở đây sống dưới tầm đạn pháo của địch nên nhà nào cũng có hầm lớn ở giữa nhà. Hầm cho heo, cho trâu bò, hầm chứa các thức ăn đồ uống, có thể sinh hoạt lâu dài dưới lòng đất.

Sau Hiệp định Pa-ri, xóm này bao lần bị kẻ địch đe dọa, hòng xóa vùng giải phóng nhưng đều thất bại. Sáng ấy, mọi cảnh sinh hoạt vùng giáp ranh này đập vào mắt chúng tôi đến kỳ lạ. Dân làng vẫn ra đồng cùng ruộng lạc, ruộng dưa bằng xe hai con bò kéo. Cả xóm không còn một bóng cây cổ thụ, chỉ có tre, trúc cùng những khóm chuối xác xơ vì bom đạn và gió lộng. Chúng tôi đào hầm bên những gốc tre.

Các má đến thăm bộ đội đều rơi nước mắt: "Trời ơi! Đi suốt đêm không ngủ, giờ lại phải nằm sương dãi gió như vầy. Cơm ăn cùng muối bể và một chút thịt hộp". Các má đem cho nào dưa, lạc, nào mì (sắn) luộc. Chúng tôi đã từ chối vì thương dân ta cũng còn rất khó khăn, thiếu thốn. Có má đã khóc: "30 năm rồi, kể từ năm 1945, nay mới gặp lại bộ đội. Trận này chắc giải phóng được miền Nam". Tôi trân trọng những giọt nước mắt đó.

Từ 17 giờ ngày 26/4/1975, pháo binh của quân ta dồn dập bắn vào Nhơn Trạch, Hố Nai, Biên Hoà, Đồng Dù trong hướng tiến Tây Bắc vào Sài Gòn. Chẳng đợi đến đêm nữa, ngay từ chiều 26/4, đơn vị đã đã đánh chiếm các đồn bốt của địch trên quốc lộ 1 và 22. Từ sáng ngày 27/4/1975, có cuộc đấu pháo dữ dội của ta và địch trên hướng tiến quân của đơn vị, sau đó, pháo địch lịm dần rồi im bặt. Ngày 28/4/1975, chúng tôi tạm biệt xóm C Nhỏ. Út Tám, con ông chủ nhà có giọng cải lương mùi mẫm với những bài đưa tiễn đơn vị lên đường. Ai ngờ cô là du kích dẫn đường cho đơn vị tiếp cận căn cứ Đồng Dù. Đơn vị chiếm lĩnh trận địa và khẩn trương đào hầm trú ẩn ngay. Những bó cây lát hầm đã được chuẩn bị cho một tổ ba người. Đối với người lính trên chiến trường, chiếc hầm trú ẩn có thể nói là chiếc áo giáp hữu hiệu nhất.

Mờ sáng, cả đơn vị đã lo nguỵ trang kín đáo. Được biết đơn vị nằm đây để vây ép, đánh chặn, tạo điều kiện cho sư đoàn bạn tấn công vào sào huyệt của Sư đoàn 25 ngụy ở Đồng Dù. Mặt trời vừa ló lên là các loại đạn pháo trút xuống như "giã gạo" trên đầu đơn vị. Ngồi trong hầm như trên chiếc chảo rang ngô. Địch bị ta đánh lui nên hò hét các loại cối pháo bắn cấp tập về phía ta. Khói bụi mù mịt, tiếng nổ chát chúa của cối pháo, tiếng đạn thẳng đan nhau chiu chíu trên nóc hầm. Sẩm tối, tôi cùng đồng đội bị thương được đưa ra tuyến sau. Tin Đồng Dù giải phóng khiến tôi thấy khoẻ hẳn. Tôi đem nhật ký ra ghi và sắp xếp lại quân tư trang sẵn sàng tìm về đơn vị.

Ngày 30/4/1975, từ nửa đêm, tiếng pháo vẫn nổ từng chập xa xa. Chớp loé  lên, sáng rực cả một góc trời. Cờ đỏ sao vàng, cờ nửa đỏ nửa xanh rợp trời. Thật vui hết chỗ nói. Những chiếc xe tăng của quân ta mở đường, xe chở bộ đội theo sau. Gần trưa, xe dừng lại ở cổng Dinh Độc Lập. Đơn vị bạn đã đánh chiếm được Dinh rồi. Nhìn lá cờ giải phóng bay phần phật trên nóc Dinh thật vui sướng, nước mắt lại trào ra. Khoảng 12 giờ kém, một chiếc Jép có mấy đồng đội đi ra, trên khung kính phía trước xe có ảnh Bác Hồ và dán cờ giải phóng. Một người cao lớn bước lên. Sau tiếng "rầm", cánh cửa xe khép lại, xe lao đi. Tôi hỏi đồng đội và được biết: đó là Minh lớn (tức Tổng thống Dương Văn Minh).

Buổi trưa hôm ấy, từ chiếc đài bán dẫn vang lên lời của Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Tôi cùng đồng đội leo lên Dinh, bắt gặp bảng kê thực đơn bữa ăn của Tổng thống. Trong thực đơn, có một món tôi chưa từng được biết. Tôi hỏi đồng đội: "Sâm -banh là món gì nhỉ?". Một đồng đội chạy đi lên tầng trên của Dinh, cầm về một chai sâm -banh. Anh xóc rồi bật nút. Nút chai bắn lên trần, mỗi người chúng tôi đều ngửa cổ uống những giọt sâm - banh trong niềm vui chiến thắng rồi ôm lấy nhau, chưa kịp hỏi tên đã phải tạm biệt để tìm về đơn vị.

Hoàng Tương Lai

Các tin khác
Các cụ cao tuổi luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo. (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (10/5/1995 - 10/5/2015), đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có thư gửi Hội Người cao tuổi Yên Bái, Báo Yên Bái xin đăng toàn văn nội dung như sau:

Ảnh minh họa.

Chiến thắng Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam; là bài học sâu sắc về ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, khát vọng hòa bình, ý chí thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Một cảnh trong phim với Anh hùng lực lượng vũ trang - Đại tá Nguyễn Thành Trung.

Một bộ phim tài liệu nói về ngày lịch sử 30  4 vẫn có những cảnh quay đầy ắp tiếng súng, những mất mát, đau thương, vẫn có những ánh mắt nụ cười của ngày quân giải phóng tiến về thành phố…

YBĐT - Ngày 13/4, Chi bộ Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã tổ chức Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục