Khai mạc Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế-xã hội
- Cập nhật: Thứ bảy, 29/8/2015 | 8:57:47 AM
Tối 28/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ khai mạc Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế-xã hội với chủ đề “Đổi mới, hội nhập và phát triển”, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khai mạc Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế-xã hội.
|
Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ, ban ngành Trung ương…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh triển lãm nhằm giới thiệu những kết quả phấn đấu của nhân dân Việt Nam với sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của bè bạn khắp năm châu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước trong 70 năm qua.
Phó Thủ tướng đã điểm lại những mốc son lịch sử kể từ tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước cộng hoà, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Bằng sức mạnh của chính nghĩa, của đại đoàn kết, của lòng quả cảm và sáng tạo vô song; với sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn hi sinh, gian khổ, giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước đáp lại lòng tin, ước nguyện của lớp lớp anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do, vì tương lai tươi sáng của dân tộc.
Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều chỉ số liên quan tới con người, tới an sinh xã hội của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc.
Nền kinh tế Việt Nam từ một nền kinh tế khép kín, tập trung quan liêu bao cấp đã trở thành một nền kinh tế năng động, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 300 tỉ USD gấp khoảng 1,5 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 20.000 dự án và số vốn gần 300 tỉ USD
Việt Nam cũng là thành viên tích cực, trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, của các cơ chế hợp tác khu vực, thế giới và của Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, trong hơn 20 năm trở lại đây kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục ở mức bình quân cao hơn nhiều nước và đứng thứ hai thế giới. Ngay trong thời gian khủng hoảng kinh tế vừa qua, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm số ít các nước duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển của Việt Nam so với khu vực và thế giới vẫn lớn. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn. Văn hóa xã hội, đạo đức lối sống... xuất hiện không ít biểu hiện không phù hợp.
Vì vậy, cần phải thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa để nền kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; để mọi người Việt Nam được sống trong một cuộc sống tự do, hạnh phúc trong một quốc gia độc lập, một xã hội nhân hòa, an bình và tràn ngập yêu thương; để các nét đẹp, các giá trị văn hóa Việt được tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại…
“Cần khơi dậy, cổ vũ, khuyến khích sức sáng tạo của toàn xã hội. Cần nhận diện và tháo gỡ những rào cản đối với việc phát huy mọi nguồn lực để phục vụ phát triển. Tất cả vì lợi ích của đất nước, vì lợi ích của nhân dân.
Tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm trước các thế hệ cha anh và đối với thế hệ tương lai thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta quyết đồng sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; góp phần gìn giữ, kiến tạo hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm khu trưng bày thành tựu của Bộ Y tế.
Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế-xã hội có sự tham gia của 27 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương; 27 tỉnh, thành phố và 12 gian hàng của khối doanh nghiệp trên diện tích 12.000m2 trưng bày trong nhà và 3.000m2 trưng bày ngoài trời.
80 gian trưng bày được chia thành 4 mảng nội dung lớn: Khu trưng bày khái quát; Khu trưng bày của các bộ, ngành, đoàn thể; Khu trưng bày của các tỉnh, thành và Khu trưng bày của các doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem sản phẩm chăn tơ tằm tự dệt.
Mỗi khu trưng bày được thể hiện bằng những mảng, khối với tư liệu là những hình ảnh, hiện vật, thước phim... phong phú và sống động, góp phần khẳng định, tôn vinh những thành tựu kinh tế-xã hội nổi bật của đất nước trong 70 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem sản phẩm lương khô dùng cho bộ đội.
Ngoài nội dung trưng bày, nhiều bộ, ngành, địa phương còn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu, giới thiệu các dự án, công trình tiêu biểu hoặc các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại… của bộ, ngành, địa phương mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem sản phẩm máy bay không người lái tại khu trưng bày của Bộ Quốc phòng.
Triển lãm 70 năm thành tựu kinh tế-xã hội 2015 sẽ diễn ra từ ngày 28/8 đến 3/9.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
70 năm trước, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử nhằm tuyên bố với đồng bào trong nước và nhân dân thế giới về nền độc lập của Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam mới.
YBĐT - Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các bộ, ngành để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc. Trong số trên mười bộ, ngành được thành lập ngày 28/8/1945 có Nha Thông tin - Tuyên truyền (tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay). Kể từ đó, ngày 28/8 trở thành Ngày truyền thống ngành văn hóa.
Bộ VHTT&DL, Cơ quan thường trực Ban Tổ chức cấp quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2014-2015 đã thông báo lịch hoạt động, sự kiện chính trong tuần lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
Dựa theo quan điểm cho rằng có sự xuất hiện "khoảng trống quyền lực", một số người đã tung ra những luận điệu hết sức sai trái, xuyên tạc lịch sử. Họ cho rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra là "ngẫu nhiên"; thành công là "ăn may”, Việt Minh đã "mượn gió bẻ măng"... Mưu đồ của những luận điệu sai trái trên không gì khác là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh.