Hiệu quả công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/1/2016 | 9:46:19 AM

YBĐT - Trong nhiệm kỳ, nội dung giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh không dàn trải mà tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại huyện Trấn Yên.
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại huyện Trấn Yên.

Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái đã có nhiều cố gắng để thực hiện tốt chức năng giám sát, góp phần tích cực vào việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội, các ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, xem xét cho ý kiến vào báo cáo hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đóng góp nhiều ý kiến vào các báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội; tham gia 2 đợt lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trên cơ sở những vấn đề thời sự, bức xúc, đang được cử tri địa phương và cả nước quan tâm, tại các kỳ họp ĐBQH tỉnh đã có 23 ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường và một số chất vấn bằng văn bản đối với Chính phủ, các bộ, ngành chức năng. Trên cơ sở chất vấn xác đáng của ĐBQH tỉnh Yên Bái, các vị Bộ trưởng được chất vấn đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và đề ra biện pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, ngành mình ngay sau kỳ họp.

Trong quá trình giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật tại địa phương, cùng với thực hiện giám sát tại kỳ họp, căn cứ Chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và triển khai tích cực, có hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH đã tổ chức 25 đợt giám sát trên địa bàn tỉnh (trong đó có một số chuyên đề lớn như: giám sát về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2006 - 2010; về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012; về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật…).

Thông qua hoạt động giám sát, Đoàn đã có 111 kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; trên 200 kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị hữu quan và các địa phương liên quan đến nội dung giám sát.

Nhìn chung trong nhiệm kỳ, nội dung giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh không dàn trải mà tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Công tác tổ chức giám sát được thực hiện đúng theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Hoạt động phối hợp trong giám sát giữa Đoàn ĐBQH với các cơ quan của Quốc hội, với Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cấp chính quyền địa phương được đảm bảo chặt chẽ.

Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH trong nhiệm kỳ khóa XIII đã đạt nhiều kết quả, những kiến nghị xác đáng sau giám sát có tác động tích cực đến đối tượng chịu sự giám sát. Cụ thể như qua thực tế giám sát tình hình thực hiện Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái, Đoàn kiến nghị với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cần khẩn trương làm ngay các đường gom để giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân; phối hợp, cùng với nhà thầu và chính quyền địa phương giải quyết triệt để các khoản nợ với nhân dân địa phương; sớm có phương án sửa chữa các công trình phúc lợi công cộng để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân vùng Dự án đi qua.

Qua theo dõi, các kiến nghị của Đoàn đã được VEC tiếp thu, từng bước giải quyết góp phần hạn chế bức xúc trong nhân dân và đẩy nhanh tiến độ thi công 2 gói thầu, đoạn qua địa phận tỉnh. Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, các kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh về tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; đổi mới về quy trình, cách thức xác định hộ nghèo dựa trên các yếu tố tác động đa chiều tới nghèo đói; thu gọn 16 chương trình, mục tiêu quốc gia thành 2 chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững… đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu và ban hành các nghị quyết, quyết định để áp dụng vào thực tế.

Có thể nói, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua có ý nghĩa thiết thực; vừa giúp cho chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động, vừa góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động giám sát đã có những kiến nghị cụ thể góp phần xây dựng một số chính sách, pháp luật của Trung ương phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của các địa phương, cơ sở.

Khẳng định niềm tin với cử tri

Đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội:

Các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá rất cao vai trò hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái. Hoạt động của Đoàn đã nhận được rất nhiều sự tin tưởng của các cử tri, phản ánh được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đến với Quốc hội và các ngành chức năng xem xét, giải quyết.

Qua đó, nhiều chính sách của tỉnh đã được xem xét, thực hiện chung cho cả nước như chính sách về làm đường giao thông nông thôn, chính sách xây dựng hệ thống điện... Chúng tôi gặp gỡ các cử tri như là những người con về với gia đình mình để lắng nghe ý kiến, đồng thời, cũng truyền đạt được những chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân.

Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái:

Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ và được Chính phủ chấp thuận đó là việc sửa đổi Nghị định 41/CP thay vào đó là Nghị định 55/CP của Chính phủ về việc nâng mức cho vay vốn đối với các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Một vấn đề nữa là khi Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng với Đoàn ĐBQH sớm có văn bản báo cáo đề nghị với Thống đốc Ngân hàng xem xét, giải quyết về việc cho tái lập lại Phòng giao dịch ngân hàng tại xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình. Ngay sau khi có ý kiến bằng văn bản của Đoàn ĐBQH tỉnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định cho tái lập Phòng giao dịch này và đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu vay vốn của bà con nhân dân 8 xã vùng hồ Thác Bà.

Ông  Đỗ Trọng Tài - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái:

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri cho Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tới tận các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Qua đó, giúp cho các vị ĐBQH tỉnh truyền đạt thông tin đầy đủ, kịp thời những nội dung cơ bản của kỳ họp Quốc hội đến cử tri; đồng thời cũng là dịp để các ĐBQH tiếp thu, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi tới diễn đàn của Quốc hội. Từ đó, vai trò, vị trí của ĐBQH được khẳng định, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

 

Ông Hoàng Văn Thân - Phó chủ tịch HĐND xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên:

Tôi đã theo dõi các kỳ họp qua truyền hình và tham gia nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, tôi thấy các ĐBQH tỉnh Yên Bái ngày càng thể hiện có trí tuệ cao, có trách nhiệm và tâm huyết với nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, mang ý chí, nguyện vọng của cử tri đến với cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước.

Nhiều ý kiến của cử tri đã được các cơ quan chức năng thuộc Quốc hội, Chính phủ và địa phương xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Chính vì vậy, các ĐBQH là cầu nối, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Quốc hội và Nhà nước.

Đức Toàn - Mạnh Cường (ghi)

Dấu mốc các kỳ Quốc hội

Ngày 6 tháng 1 năm 1946 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội (QH) để gánh vác công việc nước nhà.

- Trong tổng số 403 đại biểu QH khoá I (1946 - 1960) có 333 đại biểu được bầu qua lá phiếu của cử tri. Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực QH khoá I từ ngày 2/3/1946. Tỉnh Yên Bái có 2 đại biểu được bầu vào QH.

- QH khoá II (1960 - 1964) có tổng số 453 đại biểu. Đồng chí Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực QH khoá I từ năm 1955 đến năm 1960. Tỉnh Yên Bái có 4 đại biểu được bầu vào QH khóa II.

- QH khóa III (1964 - 1971) có tổng số 455 đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái có 5 đại biểu.

-  QH khoá IV (1971 - 1975) có tổng số 420 đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái có 7 đại biểu.

- QH khoá V (1975 - 1976) có tổng số 424 đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu.

- QH khoá VI (1976 - 1981) có tổng số 492 đại biểu. Đoàn ĐBQH khoá VI tỉnh Yên Bái có 4 đại biểu.

(Đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI từ năm 1960 đến năm 1981).

- QH khoá VII (1981 - 1987) có tổng số 496 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch QH khoá VII từ năm 1981 đến năm 1987. Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái có 5 đại biểu.

- QH khoá VIII (1987 - 1992) có tổng số 496 đại biểu. Đồng chí Lê Quang Đạo - Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch QH khoá VIII từ năm 1978 đến năm 1992.

- QH khoá IX (1992 - 1997) có tổng số 395 đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái có 4 đại biểu.

- QH khoá X (1997 - 2002) có tổng số 450 đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái có 5 đại biểu.

(Đồng chí Nông Đức Mạnh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH khoá IX, X từ năm 1992 đến năm 2001).

- QH khoá XI (2002 - 2007) có tổng số 498 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Văn An - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu.

- QH khoá XII (2007 - 2011) có tổng số 493 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH. Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu.

- QH khoá XIII (từ 2011 đến nay) có tổng số 500 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH. Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu.

Hà Thái Thọ


 

Các tin khác
Hàng vạn nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội (5-1-1946). (Ảnh: Tư liệu)

YBĐT- Tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, đó là điều đặc sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thực hiện được ngay giữa lúc đất nước mới thoát khỏi ách nô lệ.

Các đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái bấm nút biểu quyết thông qua Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016), phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái.

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu.

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên công dân của một nước Việt Nam độc lập được thực hiện quyền bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu, lập nên Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

YBĐT - Chiều 4/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt thân mật 23 đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh và tương đương do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được nghỉ chế độ trong năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục