Thường trực Tỉnh ủy làm việc với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/3/2016 | 2:51:44 PM
YênBái - YBĐT - Thực hiện Chương trình công tác của Tỉnh ủy, sáng nay 25/3, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái đã có buổi làm việc với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh về kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015, quý I 2016 và kết quả triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì buổi làm việc.
Dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Báo cáo đánh giá kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015, quý I 2016; kết quả triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ: Năm 2015 và quý I/2016, mặc dù trong bối cảnh thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả thị trường vật tư, phân bón; đầu ra cho sản phẩm nông, lâm nghiệp có nhiều biến động, song sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh vẫn duy trì và phát triển ổn định, 10/10 chỉ tiêu chủ yếu của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra: sản xuất lương thực có hạt đạt kết quả toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là vùng cao. Tổng sản lượng lương thực năm 2015 đạt 300.505 tấn, vượt 8,49% kế hoạch năm; tổng đàn gia súc chính tăng 3,5% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và thủy sản năm 2015 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.223.995 triệu đồng, tăng 5% so với năm 2014.
Quang cảnh Hội nghị
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông lâm sản tập trung với quy mô ngày càng lớn như: vùng thâm canh lúa, ngô, vùng cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả, quế, chăn nuôi, thủy sản… tạo ra sản phẩm có giá trị cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác.Xuất hiện ngày càng nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng ổn định và phát triển ở tất cả các lĩnh vực; kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.
Đối với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai Đề án chi tiết cho từng lĩnh vực sản phẩm gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hiện có 5 huyện, thành phố đăng ký 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Ngành đã chủ động rà soát, có phương án sắp xếp tổ chức, kiện toàn bộ máy để sáp nhập các phòng ban, chi cục trực thuộc Sở theo hướng đảm bảo tinh gọn và phát huy hiệu quả. Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, ngành cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 5%; cơ cấu nội ngành: nông nghiệp chiếm 6,92%; lâm nghiệp chiếm 27,1% và thủy sản chiếm 3,7%...
Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất gieo cấy 2 vụ lúa; công tác quản lý các loại đất rừng, trồng cây lâm nghiệp phân tán; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tham gia cho ý kiến, đề xuất, kiến nghị và đề ra những giải pháp cụ thể để ngành nông nghiệp tập trung lãnh đạo phát triển ngành nông lâm nghiệp một cách hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà cho rằng: ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, xem xét thay đổi tư duy, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển của ngành để triển khai thưc hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung vào sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh như cây sơn tra, quế…; hình thành và mở rộng các mô hình sản xuất có giá trị hàng hóa kinh tế cao; quan tâm đầu tư đưa tiến bộ KHKT và tập đoàn cây, con giống có chất lượng cao vào sản xuất; tổ chức lại phương thức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực lao động một cách cụ thể, căn cơ đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển dịch dần từ lao động nông nghiệp nông thôn sang phi nông nghiệp và dịch vụ; mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra giá trị sản phẩm có chất lượng cao; đổi mới tư duy, nhận thức về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của ngành nông nghiệp trong 5 năm qua đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh, góp phần làm thay đổi căn bản phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp nghiệp của tỉnh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở vùng cao thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở địa phương và đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, đó là: Nhận thức, tư duy của ngành còn chậm đổi mới, chưa chủ động trong công tác tham mưu xây dựng ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông, lâm nghiệp; công tác kiểm kê, rà soát đánh giá các loại rừng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng còn chậm đổi mới; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường phát biểu kết luận Hội nghị.
Để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp của tỉnh một cách hiệu quả và bền vững, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là: Trong 5 năm tới cần xác định mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên trước mắt và lâu dài, phấn đấu tăng trưởng ngành đạt trên 5%/năm; tăng một số sản phẩm chế biến như: quế, tre măng, sơn tra, gỗ…, chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực, mô hình phát triển chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án gắn với xây dựng nông thôn mới; quan tâm quản lý tốt nguồn tài nguyên, thiên nhiên, công tác phòng, chống cháy rừng; quản lý đất rừng…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: ngành nông nghiệp cần chủ động rà soát, điều chỉnh nâng cao chất lượng quy hoạch nông, lâm nghiệp phù hợp với thực tiễn; ưu tiên, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, dự án đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; huy động các nguồn lực đầu tư, nội lực trong nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu xây dựng các nhiệm vụ, chương trình đề xuất đầu tư cho nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giao thông nông thôn; tham mưu xây dựng đề án cấp bách cho kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp và nông thôn; nghiên cứu hỗ trợ giống, vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ bảo quản các sản phẩm nông nghiệp…; thực hiện tốt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, rà soát, sắp xếp kiện toàn lại tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, phát huy trình độ, năng lực và hiệu quả của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; sáp nhập, cơ cấu lại các doanh nghiệp, nông lâm trường; chuyển đổi các mô hình HTX kiểu mới; tăng cường đưa hàm lượng khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn sản xuất; thực hiện liên kết trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt trong năm 2016, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Ngành nông nghiệp cần tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, điều hành, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Các địa phương cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ của tỉnh và của huyện nhằm khuyến khích các hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất; triển khai thực hiện tốt các đề án phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương. Ngành xem xét điều chỉnh chỉ tiêu, kế hoạch đã giao; điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương; tổ chức tham quan, học tập trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình phát triển kinh tế nhằm ứng dụng vào thực tế của địa phương.
Đức Toàn - Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Chiều 24/3, Ban dân vận Tỉnh ủy tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2016 -2020 giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Ngày 25/3/2016, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2016).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đại hội thông qua Nghị quyết và các văn kiện Đại hội (sau đây gọi chung là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng).
YBĐT - Lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) là một bộ phận trong lực lượng vũ trang (LLVT) của Đảng, lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở. Do vậy, xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng DQTV trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị và địa phương.