Chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2016)

Đường tới đích: "Tỉnh phát triển khá trong khu vực"

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/9/2016 | 8:36:41 AM

YBĐT - Xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du, miền núi phía Bắc là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong thời gian tới của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu nêu đó, tỉnh đang tập trung mọi giải pháp, phát huy lợi thế về nguồn nhân lực, đất đai, tài nguyên, khoáng sản sẵn có, cải thiện môi trường đầu tư, tăng chỉ số cạnh tranh, đặc biệt là làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây được coi là nền tảng để lãnh đạo thành công nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020.

Thành công lớn nhất mà Đảng bộ tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 là sự đoàn kết, thống nhất tạo sức mạnh tập thể trong công tác chỉ đạo, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đặc biệt, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh đã phát huy sức mạnh tập thể để tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với tỷ lệ cử tri đi bầu cao.

Cùng với sự phát triển của đất nước, nhiệm kỳ qua, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XVII đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn đạt cao hơn năm trước, bình quân tăng 11,33%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp giảm từ 24,54% xuống còn 22,92%; dịch vụ tăng từ 42,88% lên 45,07%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt hơn 25 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2010.

Ngoài chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tập trung đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Với tổng sản lượng lương thực đạt hơn 270.000 tấn/năm, Yên Bái đã bảo đảm an ninh lương thực; hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, các mô hình sản xuất có hiệu quả, bước đầu đã xây dựng được mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Cụ thể là, vùng nguyên liệu được quy hoạch gắn với các cơ sở chế biến. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng được đẩy mạnh, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh năm 2015 đạt 62%. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, giá trị gia tăng bình quân 1,5%/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo toàn diện với hơn 5.550 tỷ đồng huy động đầu tư cho chương trình.

Đến nay, toàn tỉnh có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 50 xã đạt từ 10 - 18 tiêu chí trở lên, 78 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 10,7%; giá trị xuất khẩu bình quân 5 năm tăng 14,21%; các dịch vụ y tế, giáo dục, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, vận tải... phát triển mạnh. Từ kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công.

Tỉnh Yên Bái những năm qua, đã khá thành công trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy xây dựng tỉnh phát triển khá trong khu vực.

5 năm qua, tỉnh đã huy động được 41,433 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, bằng 224% giai đoạn 2006 - 2010, vượt 21,6% so Nghị quyết Đại hội, trong đó, vốn xã hội chiếm 58,82%; hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển vượt bậc, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục với nhiều công trình trọng điểm hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp tăng cả về số lượng và hiệu quả hoạt động.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.483 doanh nghiệp, tăng gần 33% so với năm 2010; hơn 330 hợp tác xã và 2.500 tổ hợp tác, thu hút hơn 60.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm; 178/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 9/9 huyện, thị, thành phố có trung tâm dạy nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 45%, mỗi năm giải quyết việc làm mới cho hơn 17.500 lao động.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có những chuyển biến tích cực thông qua việc hoàn thành và đưa vào hoạt động của Bệnh viện Đa khoa 500 giường, Bệnh viện Lao - Phổi, Bệnh viện Sản - Nhi và 85% số người dân tham gia bảo hiểm y tế. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt và tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về cả chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Hiện tại, Đảng bộ tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc, 583 chi, đảng bộ cơ sở với 3.246 chi bộ trực thuộc và 51.384 đảng viên. Riêng nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã kết nạp gần 11.000 đảng viên mới, tăng 18,93% so với chỉ tiêu Đại hội đề ra, đào tạo được 100 tiến sĩ, thạc sĩ, 500 cán bộ chủ chốt xã, thị trấn có bằng đại học. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không ngừng được nâng lên. Phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới bằng cách tăng cường cấp ủy cấp trên làm việc với cấp ủy cấp dưới. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đã khẳng định hiệu quả rõ rệt. Các khuyết điểm, yếu kém được khắc phục cơ bản, nội bộ cấp ủy ngày càng đoàn kết chặt chẽ. Công tác tư tưởng, kiểm tra, nội chính, dân vận và hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới tích cực.

Bộ mặt đô thị thành phố Yên Bái ngày càng khang trang, hiện đại.

Là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ kết nối giao thông, hợp tác giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội với các tỉnh vùng Tây Bắc, Yên Bái có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với đầy đủ hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy, thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách cũng như vận tải hàng hóa đi tới các vùng, miền, các địa phương trong tỉnh và trong khu vực. Do đó, để xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai, nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, khoáng sản, thủy điện, dịch vụ, du lịch, giao thông để bứt phá mạnh các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dịch vụ, du lịch, giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo đột phá để đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế nhanh và bền vững. Tích cực, chủ động xây dựng liên kết vùng và hội nhập sâu hơn với các tỉnh trong khu vực để phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất, chế biến sâu. Phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ, thương mại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đa dạng hóa các loại hình đầu tư nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.

Trọng điểm là, hạ tầng giao thông kết nối, các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng cao, phấn đấu giảm nghèo bình quân hàng năm đạt hơn 6% trở lên. Tiếp tục mở cửa, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực có lợi thế như: khai thác, chế biến sâu khoáng sản; nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nông, lâm sản; du lịch, sân golf; dệt may...

Trong chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ tỉnh đầu năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được. Đồng thời, khẳng định Yên Bái dù là tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với bình quân chung của cả nước, nhưng so với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, thì Yên Bái đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, phải làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực cán bộ, tăng cường xây dựng mối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Thanh Hương

Các tin khác
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Huyện Trấn Yên vừa tổ chức thành công Đại hội Thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) giai đoạn 2019 - 2024.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ dự và chủ trì Hội nghị sơ kết công tác phụ trách, theo dõi, giúp đỡ các xã, thôn đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên năm 2023

Năm 2023, các ban, ngành tỉnh được giao phụ trách đã vận động, đóng góp gần 5,3 tỷ đồng giúp đỡ, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã, thôn đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên, gấp gần 4 lần so với năm 2022.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Ngày 15/5, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức Đại hội Thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) giai đoạn 2019 - 2024.

Như tin đã đưa, chiều 15/5, tại Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục