Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ: Tự hào 50 mùa hoa thắm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/3/2017 | 1:46:30 PM

YBĐT - Ngày 08/3/1967 Bộ Nội vụ đã phê duyệt Quyết định thành lập thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Đây là sự kiện đánh dấu một mốc son lịch sử hình thành thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho đến ngày nay.

Trung tâm thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ hôm nay.
Trung tâm thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ hôm nay.

Chúng tôi trở lại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) đúng vào dịp các chiến sĩ Trung đoàn 85 năm xưa hội ngộ chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập thị trấn. 50 năm trôi qua, những người lính năm xưa nay mái đầu đã bạc, nhưng ký ức và khí thế của ngày khai hoang, mở đất vẫn còn vẹn nguyên.

Cụ Nguyễn Văn Lượng, nguyên Tiểu đội Phó, Trung đội 2, Trung đoàn 85 nhớ lại: “Không khí những ngày đầu lên xây dựng vùng kinh tế mới rất sôi nổi, chiến sĩ chuyển từ tay súng sang tay cuốc, tay cày nhưng đều phấn khởi. Ai nấy đều coi “Nông trường là nhà, Tây Bắc là quê hương”.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, các chiến sĩ tiếp tục vận động người thân lên Tây Bắc cùng nhân dân địa phương khai hoang mở rộng diện tích đất trồng chè. Mặc dù lao động trong điều kiện hết sức thô sơ, lại bị đế quốc Mỹ leo thang đánh phá nhưng diện tích đất khai hoang và diện tích trồng chè, trồng lúa không ngừng tăng lên".

Tháng 2 năm 1959 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Hải Phòng, Trung đoàn 85 rời lên Tây Bắc để thực hiện nhiệm vụ mới. Sau khi thực hiện mở thông các tuyến đường từ Nghĩa Lộ lên Than Uyên, đơn vị chuyển sang sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng Nông trường Quốc doanh Thượng Bằng La.

Với nhiệm vụ chủ yếu là khai hoang, vỡ đất trồng chè và sản xuất lương thực thực phẩm, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Khí thế và tinh thần lao động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã tạo ra vùng đất rộng lớn hết sức thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp cũng như thu hút nhân dân tới định cư.

Trước sự phát triển của nông trường quốc doanh, để đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh và mọi hoạt động trong đời sống xã hội, ngày 08/3/1967 Bộ Nội vụ đã phê duyệt Quyết định thành lập thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Đây là sự kiện đánh dấu một mốc son lịch sử hình thành thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho đến ngày nay.

Ngày 12/5/1993, Huyện ủy Văn Chấn đã quyết định thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời của Đảng bộ thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ gồm 11 đồng chí.

Ông Phạm Minh Hồng - Nguyên Bí thư Đảng ủy lâm thời thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ nhớ lại: “Việc thành lập Đảng bộ thị trấn lâm thời đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành theo hướng tập trung, chuyên sâu hơn. Sau khi thành lập Đảng bộ đã chỉ đạo nhân dân đa dạng hóa hình thức sản xuất, trong đó lấy cây chè, cây lúa làm cây trồng chủ lực đồng thời cắt giảm, điều chỉnh một số đơn vị sản xuất kém hiệu quả, không còn phù hợp. Vì vậy năng suất lao động đã được cải thiện, khí thế tinh thần của nhân dân tiếp tục được củng cố”.

Bộ máy được thành lập và sau mỗi kỳ đại hội lại là một bước phát triển của thị trấn. Tại Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ VI nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là một trong những mục tiêu hàng đầu, đồng thời ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Với diện tích chè đạt trên 500 ha, diện tích lúa nước trên 170 ha, cùng hàng trăm héc-ta cây ăn quả, rau màu các loại. Thị trấn đã vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng cường thâm canh, chăm sóc và sử dụng đất với hệ số cao.

Hiện thị trấn đã hình thành các khu vực chuyên canh cây chè, cây lúa, rau màu và cây ăn quả chất lượng cao. Đặc biệt, phát huy thế mạnh của một nông trường chè, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đã tập trung vận động nhân dân trồng mới và trồng cải tạo diện tích chè già cỗi bằng các giống chè cho năng suất, chất lượng cao. Đến nay trên 98% diện tích chè đã được trồng bằng các giống chè chất lượng cao như LDP 2, Phúc Vân Tiên, PH1... 

Bà Nguyễn Thị Mai - tổ dân phố 5A chia sẻ: “Người làm chè bây giờ đã đỡ vất vả hơn rất nhiều nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất. Với việc đưa các giống chè lai LDP2 vào sản xuất đại trà đã nâng năng suất bình quân đạt trên 15 tấn/ha/năm. Đặc biệt việc chăm sóc, thu hoạch cơ bản đã sử dụng máy móc nên giúp bà con chủ động sản xuất và giảm sức lao động rất nhiều”.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ và nhân dân thị trấn đã quán triệt và thấm nhuần nghị quyết của Đảng và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn địa phương góp phần làm dày thêm truyền thống của quê hương.

Từ một địa phương nông nghiệp, đến nay sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản của thị trấn đã phát triển tương đối mạnh. Hiện, thị trấn có hàng chục doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Trong đó, có một nhà máy sản xuất gạch tuy nel công suất 10 triệu viên/ năm, 1 nhà máy chế biến chè công suất 40 tấn/ ngày cùng các cơ sở sản xuất gạch không nung, gỗ ván bóc hoạt động khá hiệu quả.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn và các xã lân cận. Đến nay, hệ thống đường giao thông tỉnh, huyện, đường trục liên thôn và cả hệ thống đường nội đồng của thị trấn đã cơ bản được bê tông hóa, 13/13 tổ dân phố có nhà văn hóa khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thị trấn đã giảm còn dưới 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến, các phong trào dạy tốt, học tốt hay trường học thân thiện, học sinh tích cực được triển khai thực hiện đạt hiệu quả, tỷ lệ học sinh khá giỏi liên tục tăng, tỷ lệ lên lớp thi hết cấp đạt trên 98%. Các đơn vị trường của thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, mạng lưới y tế thôn bản được hoàn thiện.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, truyền thanh truyền hình phát triển sâu rộng tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần, cổ vũ, động viên nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất.

Ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng bộ - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chia sẻ: “Trong giai đoạn tới, Đảng bộ xác định cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của cán bộ, đảng viên, củng cố lại các chi bộ và các tổ chức đoàn thể, phấn đấu luôn là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế cần nâng cao chất lượng các vùng chuyên canh chè, lúa, cây ăn quả và đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ. Quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị để xây dựng thị trấn ngày càng văn minh”.

50 năm xây dựng và trưởng thành, những người con từ khắp các miền quê đã biến vùng đất hoang vu, lau lách cỏ dại ngày nào trở thành một vùng quê trù phú với những con đường bê tông bằng phẳng, những ngôi nhà khang trang bên những đồi chè xanh ngút, những vườn cây trĩu quả. 

Ghi nhận những thành quả trong suốt 50 năm qua Đảng, Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Huân chương Lao động hạng Ba, Chính phủ tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc. Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân thị trấn đã nhận nhiều cờ thi đua, bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Hành chính tỉnh Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái.

Phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đang tích cực đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ VI, quyết tâm xây dựng thị trấn trở thành địa phương tiêu biểu trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh  - quốc phòng của huyện Văn Chấn nói riêng và của tỉnh nói chung.

Trần Van - Nguyễn Nghĩa

Các tin khác
Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Dự kiến cuối giờ sáng ngày 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự và sáng 22/5 sẽ hoàn thành công tác nhân sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sỹ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, ngày 28/2/1969.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu." Có thể nói, sự giản dị, gần gũi ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới có được.

Các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm khu di tích lịch sử Tân Trào.

Những ngày tháng 5 này khi được về mảnh đất Tân Trào, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc, nhiều người đã không khỏi xúc động.

Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Có một con đường ra đời đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1959), đó chính là đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trên tuyến đường huyền thoại ấy, hàng vạn người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục