Thẩm định điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/4/2017 | 4:51:54 PM

YênBái - YBĐT - Ngày 6/4, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tỉnh đã chủ trì Hội nghị UBND Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị thẩm định.
Đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị thẩm định.

Theo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 (theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt trên 7%/năm, giai đoạn 2021 – 2030 từ 8%/năm trở lên.

Cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ tương ứng năm 2020 là 21,3% - 30,8% - 47,9%, đến năm 2030 tương ứng là 17% - 35% - 48%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50 triệu đồng trở lên, năm 2030 đạt trên 200 triệu đồng.

Giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 200 triệu USD, năm 2030 đạt khoảng 700 USD. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt trên 3.000 tỷ đồng, năm 2030 đạt từ 12.000 tỷ đồng trở lên. Tổng vốn đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng.

Về xã hội, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2020 khoảng 1,04%, đến năm 2030 khoảng 0,9 – 0,95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 60%, trong đó: lao động qua đào tạo nghề khoảng 40% - năm 2030 đạt khoảng 78%, trong đó lao động qua đào tạo nghề khoảng 50%.

Đến năm 2020, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động, đến năm 2030 là khoảng 18.000 lao động; đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm theo chuẩn nghèo đa chiều khoảng 3,5%, đến năm 2030 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm trên 4%.

Về tỷ lệ các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, năm 2020 cơ bản đạt 40%, tỷ lệ các huyện đạt tiêu chí nông thôn mới là 14,3%, tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2030 cơ bản đạt 70%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2020 khoảng 90%, năm 2030 đạt 98%.

Điều chỉnh bổ sung một số chỉ tiêu giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 5,2% năm và 5,4% giai đoạn 2020 - 2030; điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ trọng công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giá trị sản xuất ngành xây dựng.

Điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2020 từ 5 khu công nghiệp giảm xuống 3 khu với tổng diện tích 764,8 ha, riêng các Khu công nghiệp Bắc Văn Yên, Khu công nghiệp Mông Sơn chuyển thành các cụm công nghiệp do hai huyện Văn Yên và Yên Bình quản lý; rà soát quy hoạch sử dụng đất, ưu tiên phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực hành lang kinh tế cao tốc Nội Bài - Lào Cai để thu hút dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn sau năm 2020 đến 2030.

Đến năm 2020, toàn tỉnh quy hoạch phát triển khoảng 12 cụm công nghiệp, nghiên cứu phương án chuyển đổi công năng di chuyển các cơ sở sản xuất đối với Cụm công nghiệp Đầm Hồng, thành phố Yên Bái ra khỏi trung tâm thành phố.

Điều chỉnh bổ sung mục tiêu, phương hướng phát triển dịch vụ, thương mại, dịch vụ vận tải, du lịch trên cơ sở ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn, huy động các nguồn lực cho xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng. Quy hoạch phát triển theo không gian lãnh thổ gồm vùng kinh tế động lực, vùng phía Đông, vùng phía Tây.

Về phát triển hệ thống đô thị đến năm 2020, tập trung xây dựng nâng cấp thành phố Yên Bái đáp ứng tiêu chí đô thị loại II, xây dựng phương án mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ có tính đến bổ sung thêm 6 xã và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, tiến tới xây dựng thị xã Nghĩa Lộ đạt tiêu chí đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, 9 đô thị loại V; giai đoạn sau 2020 đến 2030, toàn tỉnh có 21 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV, 12 đô thị loại V.

Để thực hiện Quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư (giá hiện hành) giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 60.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp ý một số ý kiến như cần có những giải pháp cụ thể trong phát triển nguồn nhân lực; thiếu vùng du lịch thành phố Yên Bái và các vùng phụ cận; bổ sung chính sách và thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo phát triển dịch vụ logistics; xem xét  chỉ tiêu tỉ lệ nước thải tại các khu công nghiệp…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho rằng Dự án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể được tiến hành công phu, kỹ lưỡng theo đúng quy định pháp luật; nội dung của báo cáo tổng hợp đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết 08/2016 của HĐND tỉnh Yên Bái; đã có nhiều nội dung điều chỉnh thể hiện điểm mới nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh với những quan điểm mới về mục tiêu, hướng ưu tiên, các giải pháp thực hiện…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhất trí với một số ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định về Dự án điều chỉnh. Đồng chí đề sau hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị có nhiệm vụ xây dựng đề án quy hoạch cần bổ sung thêm các ý kiến tham gia của các ngành, các thành viên, thống nhất về số liệu, câu từ, lĩnh vực, bảng biểu, định hướng, giải pháp.

Các số liệu thống kê cần trích dẫn nguồn, cần thiết đưa ra danh mục các đề án lớn ưu tiên thực hiện trên các lĩnh vực, bổ sung một số định hướng, giải pháp đối với ngành lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, hợp tác quốc tế, các số liệu phải phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết số 08/2016 của HĐND tỉnh, số liệu nào không trong Nghị quyết thì có thể điều chỉnh tùy theo tính khả thi của phương án…

Trên cơ sở tiếp thu điều chỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn tất để lập báo cáo thẩm định và lập Tờ trình để UBND tỉnh thông qua.

Tại Hội nghị, 100% thành viên Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở có điều chỉnh bổ sung.

Thanh Tân

Các tin khác

Trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Sài Gòn đã chịu đựng và hy sinh vô bờ bến, để tạo nên một Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Ngày 30-4-1975, Sài Gòn được giải phóng.

Cử tri xã Yên Bình đồng thuận với việc sáp nhập xã

Để có được sự đồng thuận cao của nhân dân, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương, hiểu rõ ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính, từ đó "gỡ bỏ" được những gì còn băn khoăn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long tặng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver cuốn Sách ảnh

Từ ngày 20-28/4, Đoàn công tác của tỉnh Yên Bái do đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu tham gia chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ - Canada do Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức; làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, mở đầu nền hòa bình cho đất nước. Trân trọng và tự hào về những thành quả mà thế hệ cha ông đã đổ máu xương giành được, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm thiết thực để giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục