Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng của Bác
- Cập nhật: Thứ năm, 18/5/2017 | 7:56:28 AM
YBĐT - Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Theo Người, “chỉnh đốn lại Đảng” là sự sửa sang, sắp đặt lại cho đúng nguyên tắc, cho có nề nếp về bộ máy tổ chức, các nguyên tắc, quy tắc hoạt động, về đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng… để luôn phù hợp và luôn ngang tầm với những yêu cầu mới của mỗi giai đoạn cách mạng...
Tỉnh ủy Yên Bái quán triệt, học tập, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tới toàn thể cán bộ chủ chốt của tỉnh.
|
87 năm qua, kể từ khi thành lập, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, một lần nữa đã chứng minh sự phát triển và trưởng thành vượt bậc của Đảng, góp phần quan trọng tạo thế và lực cho đất nước tiến lên. Kết quả đó, chính là nhờ Đảng ta luôn chú trọng đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Song, hôm nay, bên cạnh những tiến bộ tích cực đã đạt được đó, Đảng ta vẫn còn một số khuyết điểm, tồn tại do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội...; công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng còn yếu; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; nhiều đảng viên và tổ chức Đảng chưa nêu cao tính chiến đấu, nhất là ở tổ chức cơ sở đảng; việc xây dựng quy chế và hoàn thiện quy chế theo hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn hạn chế và có nhiều lúng túng...
Để nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, từng bước khắc phục những khuyết điểm, tồn tại đó, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã và đang tích cực tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng sâu rộng và thường xuyên với việc đề ra nhiều nghị quyết quan trọng có tính chiến đấu cao như: Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX, X), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và hiện nay là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Qua nghiêm túc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã khẳng định, Đảng muốn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức càng đòi hỏi phải coi trọng, đẩy mạnh và quyết tâm chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hai nhiệm vụ quan trọng, luôn song hành và có tác động qua lại với nhau bởi trong xây dựng có chỉnh đốn và ngược lại, chỉnh đốn về thực chất chính là xây dựng. Chỉnh đốn Đảng là nâng tầm năng lực của mỗi đảng viên, mỗi chi bộ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ mới. Vì vậy, muốn chỉnh đốn Đảng, trước hết “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, giữ gìn Đảng thật trong sạch, vững mạnh "như giữ gìn con ngươi của mắt mình", để Đảng thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Theo Người, chỉnh đốn Đảng là để cán bộ, đảng viên khi gặp khó khăn thì củng cố quan điểm, lập trường, tư tưởng, bình tĩnh sáng suốt, không bi quan, không chủ quan, tự mãn.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến trách nhiệm và tư cách đảng viên. Tư tưởng chủ đạo và xuyên suốt là, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và ra sức phấn đấu tu dưỡng rèn luyện, học tập để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt hơn. Theo đó, nếu như trong xây dựng chỉnh đốn Đảng yếu tố con người được Bác coi là công việc đầu tiên thì trong các nội dung về xây dựng, chỉnh đốn con người, yếu tố phẩm chất cán bộ và tư cách đảng viên lại có tính quyết định để xây dựng một Đảng thực sự chân chính, cách mạng, trong sạch và vững mạnh. Vì thế, trong mọi thời điểm cách mạng, chỉnh đốn, xây dựng Đảng thực chất là để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, làm cho Đảng ngày càng mạnh lên mà thôi.
Thực tế cũng chứng minh: năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gương mẫu, thẳng thắn nhận lỗi trước Quốc hội về những sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất (1953 - 1956) và khảng khái: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Hôm nay, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện và đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị vào cuộc sống thì tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật", "nói đi đôi với làm" và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm ấy của Bác càng cần phải được thấm sâu vào trong suy nghĩ và hành động của từng cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên và "người đứng đầu". Khi "người đứng đầu" cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương đều thấm nhuần tư tưởng của Bác, gương mẫu học và làm theo phong cách của Bác trước thì nhân dân sẽ tin, sẽ nghe, sẽ giúp sức cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo của mình trong mọi thời điểm thuận lợi hay khó khăn nhất để đi đến thành công.
Có thể nói, nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rất phong phú, đa dạng. Chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng phải làm toàn diện cả chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; phải được tiến hành ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở.
Trong đó, đặc biệt coi trọng làm tốt ở các tổ chức chi bộ Đảng vì chi bộ chính là nền móng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”.
Trong suốt quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn coi việc nhận thức và thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất. Tập trung trong Đảng có nghĩa là thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, tất cả đảng viên phải phục tùng nghị quyết của Đảng.
Đồng thời, khẳng định, phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển Đảng, là “thang thuốc hay nhất” để Đảng ngày càng phát triển. Mục đích của phê bình và tự phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, tăng cường sức mạnh đoàn kết, thống nhất cao hơn trong Đảng.
Hôm nay, cùng với các Đảng bộ địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang ra sức thi đua lao động và học tập, lập nhiều thành tích mừng kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2017).
Trong đó, tư tưởng của Người về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nội dung xuyên suốt được Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong quá trình triển khai quán triệt, học tập đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
Đây chính là một trong những mục tiêu nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ tỉnh đang phấn đấu thực hiện thông qua việc nhân rộng những mô hình điểm, những điển hình cá nhân, tập thể gương mẫu với những cách làm hay, hiệu quả trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự "cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Chiều 17/5, Hội nghị rút kinh nghiệm luyện tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Yên Bái lần 1 - năm 2017 đã được tổ chức tại Hội trường Tỉnh ủy.
Sáng 17/5, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị gặp mặt thân mật các đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nghỉ hưu để báo cáo một số tình hình đất nước thời gian gần đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng dự và chủ trì Hội nghị.
Tại phiên họp thứ 10 sáng 17/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Ngày 17/5, tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã có báo cáo tổng hợp công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Trân trọng giới thiệu nội dung Báo cáo của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.