Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư
- Cập nhật: Thứ tư, 2/8/2017 | 12:21:11 PM
Sáng 2/8, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác lao động 5 nước Tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ hai gồm: Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì và phát biểu tại phiên Khai mạc Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
|
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (quốc gia đăng cai Hội nghị)- Đào Ngọc Dung cho biết, 5 quốc gia gồm: Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam có quy mô dân số khoảng 230 triệu người. 5 quốc gia này không chỉ là thành viên của Cộng đồng ASEAN mà còn được kết nối bởi dòng sông Mê Kông nên có sự gần gũi về địa lý và có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Việc giao thương kinh tế và hòa nhập xã hội giữa các nước ngày càng được mở rộng khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015 và lao động di cư giữa các nước đang trở thành là một hiện tượng kinh tế - xã hội tự nhiên.
Để tiếp tục phát huy kết quả của quá trình giao thương, hợp tác trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sáng kiến của Thái Lan trong việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác Lao động giữa 5 nước lần thứ Nhất vào năm 2015.
“Và hôm nay, tại Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác lao động của 5 nước có chung đường biên giới lần thứ 2 này, chúng ta nhất trí rằng: Việc di cư lao động nói chung và di cư lao động qua biên giới nói riêng là một xu hướng tất yếu. Lao động di cư là động lực quan trọng cho phát triển của cả nước phái cử và tiếp nhận. Tuy vậy, vấn đề cần quan tâm đó chính là tác động kinh tế - xã hội của di cư không chính thức. Đây chính là lý do chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ người lao động di cư, đảm bảo di cư lao động an toàn và phát triển việc làm bền vững cho tất cả người lao động di cư”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư”, các Trưởng đoàn Quan chức, các vị đại biểu đã có dịp trao đổi về các chính sách, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý lao động di cư giữa các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam; trao đổi về vấn đề việc làm bền vững và an sinh xã hội đối với người lao động di cư; đánh giá các kết quả đạt được trong việc triển khai những hoạt động hợp tác lao động giữa 5 nước, đặc biệt trong lĩnh vực lao động di cư qua biên giới và các dự án về dạy nghề, phòng chống mua bán người; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn người lao động di cư qua biên giới. Ngoài ra, Hội nghị Quan chức cũng đã dành thời gian thảo luận và thống nhất nội dung của Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam về di cư lao động an toàn. Việc thông qua Tuyên bố sẽ tạo cơ hội cho 5 nước chúng ta thúc đẩy di cư lao động an toàn thông qua tăng cường các hệ thống quản lý di cư, trao đổi thông tin giữa các nước, đồng thời tạo cơ sở tăng cường hơn nữa sự hợp tác về quản lý lao động với các hoạt động triển khai cụ thể, phù hợp với pháp luật, chính sách của từng quốc gia.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ tin tưởng, với những sáng kiến, kinh nghiệm và những bài học được các nước chia sẻ tại Hội nghị về chính sách và thực tiễn giữa 5 nước nhằm hướng tới việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng cho người lao động, điều chỉnh các chính sách an sinh xã hội cũng như việc thông qua Tuyên bố trên sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục cụ thể hoá, hiện thực hóa những cam kết về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ nước chủ nhà đăng cai Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau hơn 50 năm hình thành và phát triển (1967-2017), ASEAN đã trở thành tổ chức năng động, phát triển toàn diện. Trong ASEAN, hợp tác 5 nước không ngừng mở rộng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường tình hữu nghị giữa các nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trên toàn thế giới di cư đang là một xu hướng tất yếu. Di cư lao động là động lực quan trọng cho phát triển giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, góp phần tăng cường, hợp tác phát triển kinh tế toàn diện. Tuy nhiên, nếu không giải quyết tốt thì tình trạng di cư sẽ là một trong những nguyên nhân để lao động di cư bất hợp pháp bị lợi dụng bởi các đối tượng tội phạm bóc lột và buôn bán người”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, xu hướng về lao động trên thế giới có nhiều thay đổi, không chỉ nhiều nghề mà nhiều loại hình lao động mới sẽ thay thế cho các ngành nghề với phương thức lao động cũ. Để kiểm soát và bảo vệ lao động di cư, đồng thời hạn chế được những tiêu cực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Các nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong giáo dục đào tạo, trong phát triển kinh tế nói chung, giao lưu thương mại, đầu tư khoa học công nghệ của 5 nước. Tăng cường chia sẻ thông tin về lao động, tình hình lao động, thay đổi về chính sách lao động. Tăng cường hơn các kênh thường xuyên giải quyết ngay và kịp thời những vướng mắc về tình hình lao động. Chú trọng đảm bảo ngày càng tốt hơn tình hình an sinh xã hội cho những lao động di cư, tiến tới từng bước lao động di cư được đảm bảo như những lao động. Cùng với đó, vấn đề di cư lao động đã và đang là vấn đề nóng, do đó 5 nước cần trao đổi để có tiếng nói chung trong các diễn đàn của khu vực.
Theo chương trình làm việc của Hội nghị, sau phiên khai mạc, các đại biểu sẽ tham gia buổi họp kín nghe Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan- Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Lao động 5 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam lần thứ nhất phát biểu, đánh giá quá trình hợp tác giữa các nước thời gian qua; báo cáo kết quả Hội nghị quan chức cấp cao về lao động của 5 nước; nghe trưởng Đoàn các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam phát biểu ý kiến xoay quanh chủ đề của Hội nghị lần này là “Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư”; xem xét và thông qua Tuyên bố chung về Di cư lao động an toàn; Thông báo về Hội nghị Bộ trưởng Lao động Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam tiếp theo tại Cam-pu-chia.
(Theo dangcongsan.vn)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 2/8, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá 6 năm thi hành Luật Thanh tra. Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Cùng với cả nước, các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở của Yên Bái cũng đang ra sức đấu tranh phòng chống tham nhũng với giải pháp cơ bản, đặc biệt là việc chuyển từ phương thức quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang chính quyền phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân.
Thừa lệnh của Bộ Chính trị, ngày 30-7, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương đã ký Văn bản số 37-TB/TW thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về phân công cán bộ tham gia Thường trực Ban Bí thư.
YBĐT - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra đôn đốc việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy.