Ðánh giá, xử lý trách nhiệm người đứng đầu

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/8/2017 | 1:49:25 PM

Trong Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, Ðảng ta đã chỉ ra những thành tựu, bài học có giá trị, đồng thời đánh giá tình hình, nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Ðảng.

Nghị quyết nêu rõ: "Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái”... Từ thực tế này, cấp ủy nhiều địa phương đã cụ thể hóa tiêu chí, xây dựng "bộ công cụ” phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với tập thể cấp ủy làm cơ sở kiểm điểm, đánh giá, xử lý trách nhiệm.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là của người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trong việc đề ra chủ trương, nghị quyết, chính sách, các quyết định quan trọng đối với sự phát triển của tập thể, địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã tổng kết thực trạng đáng quan ngại là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách mang tính hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi có sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Vì vậy, có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, đồng nghĩa với không khuyến khích người đứng đầu nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Nhìn nhận rõ vấn đề này, cấp ủy nhiều địa phương đã cụ thể hóa các tiêu chí, thước đo, tạo "công cụ” để đánh giá và xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu.

Từ nhiều năm trước, tỉnh Bắc Giang đã ban hành bộ tiêu chí, cách chấm điểm, đánh giá xếp loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và chủ tịch UBND huyện, thành phố trong thi hành công vụ. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Công Thức trao đổi, ngoài những yêu cầu chung theo quy định của Chính phủ, Bắc Giang đã cụ thể hóa năm nhóm giải pháp dựa trên chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo từng năm và đột xuất để đánh giá người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu tự chấm điểm, đánh giá trách nhiệm và mức độ hoàn thành các nhiệm vụ. Tổ công tác giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát, thẩm định. Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xếp loại, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

Tổng kết quá trình thực hiện ở tỉnh Bắc Giang cho thấy, quy định này đã góp phần giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp chuyển biến rõ nét, khẳng định được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời phát huy tốt hơn trí tuệ tập thể của từng cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm cá nhân chỉ đạo giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm trên địa bàn được tăng cường, làm cho nhiều "nút thắt’’ được tháo gỡ, tạo động lực mới. Ðiển hình như việc giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang gắn liền việc di dời hơn 12 nghìn dân đã hoàn thành trước thời hạn bốn tháng. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thời gian qua cũng được thực hiện rốt ráo, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, điểm "nóng”...

Triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo cấp ủy trực thuộc cụ thể hóa, xây dựng và ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu thuộc diện cấp mình quản lý, bằng việc ban hành Quy định số 01-QÐ/TU. Quy định với bộ tiêu chí - công cụ đánh giá cán bộ chủ chốt được áp dụng trong toàn tỉnh. Các cấp ủy chỉ đạo, tổ chức để 1.149 cán bộ là người đứng đầu và 1.897 cấp phó của người đứng đầu ký cam kết.

Sau một năm triển khai, mới đây tỉnh Quảng Bình tổ chức kiểm điểm, lấy phiếu đánh giá với các chức danh được nêu trong quy định trên với bốn tiêu chí (tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật). Việc kiểm điểm, đánh giá được cấp ủy các cấp tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc.

Kết quả, đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có tất cả 400 cá nhân là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu (115 trường hợp là cán bộ cấp trưởng và tương đương) được lấy phiếu đánh giá. Về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đánh giá đối với cấp trưởng: có 109 trong tổng số 115 trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 6 trong số 115 cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ðối với cấp phó, có 250 trong số 285 cán bộ hoàn thành xuất sắc; không có cán bộ đánh giá ở mức chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ thuộc diện cấp huyện quản lý, có 1.122 đồng chí được lấy phiếu đánh giá; trong đó, 379 cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 681 hoàn thành tốt nhiệm vụ; 53 hoàn thành; chưa hoàn thành nhiệm vụ có chín trường hợp.

Tuy nhiên, kinh nghiệm hay ở Quảng Bình là đã gắn liền với đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đối với cán bộ chủ chốt các cấp. Sau quá trình này, đã có chín cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý vi phạm cam kết thực hiện Quy định số 01 được kết luận và xử lý. Ðồng thời, các cấp ủy đã xử lý thi hành kỷ luật 429 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm các nội dung cam kết theo Quy định (khiển trách 69 trường hợp; cảnh cáo 10; cách chức tám; khai trừ ra khỏi Ðảng 11 ); trong đó có 98 trường hợp là người đứng đầu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Công Thuật khẳng định: Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được áp dụng đã sớm phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tại tỉnh Bắc Cạn, trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được quy định cụ thể, cùng các giải pháp mạnh, đồng bộ. Theo đó, sẽ không bổ nhiệm lại và sẽ bố trí chức vụ thấp hơn hoặc khuyến khích từ chức, miễn nhiệm chức vụ đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi: qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo kết luận thiếu tinh thần trách nhiệm; để đơn, thư thuộc thẩm quyền giải quyết tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, gây bức xúc cho tổ chức, công dân; đưa ra ý kiến chỉ đạo bằng văn bản không rõ ràng, làm cho cấp dưới không có cơ sở thực hiện hoặc thực hiện trái pháp luật; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản trái quy định; để cấp dưới vi phạm pháp luật... Quy định với các mục tiêu, giải pháp đang được các cấp ủy dồn sức triển khai thể hiện quyết tâm cao trong đánh giá, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh Bắc Cạn.

Tại các địa phương nêu trên, trong quá trình thực hiện các quy định, cấp ủy các cấp đã thấy rõ sự cấp thiết trong hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp. Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm trong mối quan hệ công tác của người đứng đầu và của tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng, đang là những "lỗ hổng” cần sớm khắc phục. Mặt khác, thực tế đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể đối với người đứng đầu trong công tác đấu tranh chống lợi ích nhóm, tiêu cực cũng như chế tài xử phạt nghiêm minh đối với người đứng đầu nếu để xảy ra các hành vi vi phạm tại cơ quan, đơn vị.

Thiết nghĩ, những bài học còn nóng hổi trên mặt trận đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; thực tiễn đấu tranh với nạn tham nhũng, tiêu cực, với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử gần đây, được dư luận xã hội hết sức quan tâm, ủng hộ, cho thấy tính cấp thiết của vấn đề này.

(Theo ND ĐT)

Các tin khác
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc đầu tư, khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (Ảnh: báo Giao thông)

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn về các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành.

Lễ tưởng niệm 72 năm thảm họa bom nguyên tử tại Nagasaki sáng 9/8. (Ảnh: Kyodo)

Ngày 9/8, lễ tưởng niệm 72 năm thảm họa bom nguyên tử đã diễn ra tại Công viên Quốc gia Nagasaki, Nhật Bản.

YBĐt - Từng lời dạy của Bác đều thể hiện thành những việc làm cụ thể cho mỗi cán bộ, đảng viên trong đơn vị phấn đấu xây dựng hình ảnh người cán bộ toà án nhân dân "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục