Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Yên Bái có 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương, sau khi sắp xếp lại đến cuối năm 2016 còn 11 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực: lâm nghiệp, thủy nông và xổ số. Trong tổng số 11 doanh nghiệp này có 9 doanh nghiệp đang hoạt động, còn 2 đã ngừng hoạt động.
9 doanh nghiệp đang hoạt động có tổng doanh thu đạt được trong giai đoạn 2011 đến 2016 là trên 645 tỷ đồng; tổng lợi nhuận đạt trên 31,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang hoạt động đều là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù hoặc lĩnh vực công ích nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này phụ thuộc vào thời vụ sản xuất, chu kỳ kinh doanh hoặc phụ thuộc vào đơn giá của Nhà nước quy định, quy mô vốn và quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp đa số nhỏ nên khả năng để đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất hạn chế.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện việc quản lý chặt chẽ tài sản, tiền vốn của Nhà nước được giao cho doanh nghiệp, thực hiện tốt việc cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích theo tiến độ và khối lượng được giao. Việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước, thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp hàng năm thực hiện theo quy chế trả lương, thưởng đúng quy định.
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các công ty lâm nghiệp chủ yếu chỉ đơn thuần khâu kinh doanh trồng rừng và khai thác, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng của doanh nghiệp và sản phẩm thu khoán của các hộ nhận khoán với công ty, việc đầu tư trồng rừng chủ yếu thực hiện liên kết với các hộ dân, việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt được còn thấp so với tiềm năng và lợi thế về quỹ đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đang được miễn tiền thuê đất. Vì vậy, trong giai đoạn 2011 - 2016, hầu hết các công ty lâm nghiệp chưa xác định được phương hướng và xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh, chưa xử lý được những tồn tại về tài chính, công nợ từ nhiều năm trước đây.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Yên Bái tiến hành cổ phần hóa thành công đối với 05 công ty nhà nước; tổng số vốn nhà nước được thoái tại 05 doanh nghiệp là 27 tỷ đồng (theo giá sổ sách), số vốn thu về là 56,7 tỷ đồng (bằng 2,1 lần giá trị sổ sách).
Quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của 05 doanh nghiệp sau cổ phần hóa là 119 tỷ đồng, so với thời điểm trước cổ phần hóa tăng 67 tỷ đồng. Riêng 4 công ty lâm nghiệp hiện nay đang hoàn thiện phương án cổ phần hóa, dự kiến sẽ hoàn thiện và thực hiện bán cổ phần lần đầu trong quý I năm 2018.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Yên Bái còn gặp một số vướng mắc, bất cập trong việc xử lý nợ tồn đọng trước cổ phần hóa do các khoản nợ của các doanh nghiệp nợ tồn đọng từ lâu; một số công ty lâm nghiệp đã ngừng hoạt động nhiều năm nay nhưng vướng mắc về cơ chế, chính sách nên chưa có hình thức sắp xếp phù hợp.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh đã trực tiếp giải trình, làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm và kiến nghị một số giải pháp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý vốn, tài sản Nhà nước, đồng thời để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Đinh Đăng Luận - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Qua đi kiểm tra, giám sát thực tế tại cơ sở và làm việc trực tiếp với UBND tỉnh, Đoàn giám sát Quốc hội tỉnh đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp được triển khai chặt chẽ và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Sau cổ phần hóa, các đơn vị đã đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả hơn; bảo đảm công tác quản lý vốn, giải quyết việc làm và chăm lo đời sống cho người lao động tại các công ty.
Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường rà soát và đôn đốc hướng dẫn các doanh nghiệp nắm vững các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước; tăng cường hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia các dự án, chương trình từ ngân sách Nhà nước; có ý kiến đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép nâng thời gian đấu thầu công trình bảo trì đường bộ từ 3 năm lên 5 năm; các công trình thủy nông được giao kế hoạch sớm bố trí vốn, kinh phí cho các đơn vị…
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo xem xét, bố trí sắp xếp lại các lâm trường theo quy định và thực hiện phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước và bảo đảm quyền lợi, việc làm cho người lao động... Qua đây, Đoàn giám sát cũng đã tiếp thu, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh để hoàn thiện, báo cáo với Quốc hội trong thời gian tới.
Đức Toàn