Kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền" - Vấn đề cấp bách hiện nay

Bài 3: Liều thuốc từ cơ chế và công cụ kiểm soát

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/5/2018 | 8:46:03 AM

YênBái - Muốn kiểm soát được quyền lực của cán bộ, tránh việc lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền hạn để làm điều sai trái thì phải có cơ chế kiểm soát và công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả.

 
Trong thời gian qua, có thể thấy rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực cán bộ chưa được xác lập hiệu quả; chưa kiểm soát chặt chẽ việc trao và thực thi quyền lực của người đứng đầu (bao gồm các quyền lực: Chính trị, hành chính, tư pháp, kinh tế, thông tin...). Việc tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa gắn với việc xây dựng, ban hành cơ chế, chế tài cụ thể xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi có khuyết điểm, vi phạm, chưa gắn với trách nhiệm giải trình.

Hệ quả của việc thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả là đã xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ để tham nhũng, lộng quyền dẫn tới gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, lợi ích nhóm, ồ ạt bổ nhiệm người nhà, người thân vào các vị trí quan trọng... gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Hàng loạt vụ việc dạng này đã bị xử lý nghiêm thời gian qua như tại Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hay ở các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa...

Nguy hiểm hơn, do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả nên đã xảy ra tình trạng cán bộ bao che, tiếp tay cho tội phạm. Do đó mới có câu chuyện đóng cửa rừng mà rừng vẫn bị chặt phá nghiêm trọng. Tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng đã đặt vấn đề: Ở Quảng Nam đã khởi tố 25 vụ án phá rừng, nhưng không khởi tố được bị can nào. Như vậy, trong 25 vụ phá rừng ấy không có tội phạm, hay cơ quan bảo vệ pháp luật của chúng ta yếu kém không tìm thấy tội phạm, hay do có sự bảo kê, bảo vệ tội phạm?

Tại hội nghị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố ở Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn chỉ rõ hiện tượng các quán bia vỉa hè, bãi giữ xe trái phép đều có công an, người nhà bí thư, chủ tịch quận đứng đằng sau. Vụ đánh bạc công nghệ cao được phanh phui, khiến hai cán bộ công an cấp cao bị khởi tố, bắt tạm giam do bảo kê cho tội phạm là một hồi chuông khẩn cấp về tình trạng này. Nếu như trước đây, tình trạng lợi ích nhóm, "sân sau” của cán bộ mới chỉ là nghi ngờ của dư luận, cử tri, thì qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận, cử tri là có căn cứ. Điều này đòi hỏi phải sớm có một cơ chế để kiểm soát quyền lực tốt hơn, để ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ, và cũng là để bảo vệ cán bộ.

Làm rõ ai kiểm soát, kiểm soát ai, kiểm soát nội dung gì?

Vấn đề hiện nay là phải định hình rõ cơ chế vận hành việc kiểm soát quyền lực, làm rõ ai kiểm soát, kiểm soát ai, kiểm soát những nội dung gì, bằng công cụ gì, thước đo gì.

Lâu nay, tính kỷ luật, kỷ cương trong quản lý hệ thống, quản lý cán bộ vẫn được Đảng, Nhà nước coi trọng, nhưng còn nhiều định tính. Vừa qua, đã có nhiều quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, có khung, có lượng hóa cụ thể hơn, như đối với cán bộ cấp cao thì có Quy định số 89-QĐ/TW "Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Quy định số 90-QĐ/TW "Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, rồi gần đây là Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Về mặt pháp luật, chúng ta đã có Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, trong đó có các điều khoản liên quan tới đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, việc xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, cũng cần rà soát lại, nếu cần thì sửa đổi một số điều trong các luật này hướng tới có các tiêu chí đánh giá cụ thể, chính xác phẩm chất, năng lực, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức, tránh việc cào bằng, đánh đồng, ai cũng có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành nhiệm vụ, nhưng rồi sai phạm vẫn xảy ra.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã quy định bổ sung, xây dựng quy trình 5 bước trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Đây là một thành công nhằm bịt lỗ hổng trong công tác nhân sự. Bổ sung thêm 2 bước trong bổ nhiệm cán bộ sẽ hạn chế được sự chi phối, lũng đoạn, áp đặt của người đứng đầu trong công tác bổ nhiệm cán bộ, tăng cường sự đánh giá dân chủ hơn.

Với các quy định cụ thể, sát hơn như vậy, những cán bộ, đảng viên có chức quyền ở cấp cao có thể được xem xét, đánh giá chính xác hơn; cũng là để các cán bộ, đảng viên trong diện quy hoạch cán bộ được soi rọi, rèn giũa; đồng thời để Đảng có thể lựa chọn, sàng lọc cán bộ từ sớm, dần hạn chế tình trạng nể nang, xuê xoa, né tránh, theo kiểu "tôi không đụng đến anh thì anh không đụng đến tôi”.

Lần đầu tiên Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến về cơ chế kiểm soát quyền lực, trong đó nhắc đến việc xóa bỏ những đặc quyền, đặc lợi của cán bộ có chức vụ; đề xuất tăng cường đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội hay dư luận quần chúng nhân dân nhằm có thêm kênh thông tin kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời biểu hiện chạy chức, chạy quyền…

Đề cập tới cơ chế kiểm soát quyền lực cán bộ, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, kiểm soát quyền lực chính là kiểm soát con người, do đó cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đổi mới từ công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn đúng những cán bộ có tâm, có tầm. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát; đổi mới trong giao nhiệm vụ theo hướng 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ kết quả; xây dựng các cơ chế, chính sách một cách đồng bộ; tăng cường công khai minh bạch, xóa bỏ cơ chế "xin-cho”.

Kiểm tra, thanh tra, giám sát – Thanh bảo kiếm hay dải lụa mềm?

Thực ra, cơ chế kiểm soát quyền lực đã được tính toán và song hành với việc giao quyền cho cán bộ. Ví dụ như, chủ tịch hội đồng quản trị của một doanh nghiệp nhà nước không thể quyết định mọi vấn đề, mà cần phải có sự đồng thuận của cả hội đồng quản trị, đặc biệt là trong những việc quan trọng. Thế nhưng, những quy định tưởng như rất chặt chẽ đã bị vô hiệu hóa bằng những món mồi lợi ích, dụ dỗ, đe dọa hay mua chuộc... Ngay cả việc bổ nhiệm cán bộ cấp cao, tưởng đã rất chặt chẽ vì phải có sự đồng thuận của nhiều cơ quan khác nhau, cũng đã bị qua mặt bằng những món mồi trên, để từ đó mới có hiện tượng chạy chức, chạy quyền.

Do đó, chỉ với các quy định, quy trình thì dù chặt chẽ đến đâu, cũng là không đủ, bởi người ta có trăm phương, nghìn kế để vượt qua các quy định, quy trình ấy. Thế mới có việc cán bộ thiếu đạo đức, năng lực yếu kém đã được bổ nhiệm theo đúng các quy định, quy trình. Việc siết lại quy định một cách quá chặt chưa chắc đã lấp hết các khe hở mà lại có khả năng làm bộ máy lúng túng trong thực hiện. 

Vì thế bên cạnh hoàn thiện cơ chế thì cần phải tăng cường các công cụ kiểm soát, đó là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát. Về giám sát cán bộ, đặc biệt những cán bộ ở những vị trí nhạy cảm, hiện nay chúng ta có cơ chế giám sát quản lý cả bên trong và bên ngoài. Bên trong các cơ quan cũng đã có tổ chức kiểm tra Đảng, giám sát của các tổ chức đoàn thể của nội bộ cơ quan đó. Còn bên ngoài có các cơ quan như: Về mặt Đảng có Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp; về mặt Nhà nước có Quốc hội, HĐND các cấp, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; rồi chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội… Nếu như, việc kiểm tra, thanh tra, giám sát được thực hiện tốt thì sẽ tạo ra sự răn đe hữu hiệu, kiểm soát được quyền lực. 

Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng ngày càng được tăng cường theo hướng chặt chẽ hơn; kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được đề cao; tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, nhất là những vấn đề về công tác tổ chức cán bộ mà dư luận bức xúc, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hàng trăm tổ chức đảng, trong đó, có một số ban thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy và tương đương; kỷ luật hơn 18.000 đảng viên, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng hơn 1.500 người. Trong số đảng viên phải xử lý kỷ luật, có một số đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, cả đương chức và nguyên chức thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; có nhiều cán bộ, đảng viên phải xử lý hình sự, kể cả cán bộ trung, cao cấp. Điều này thể hiện rõ là không có vùng cấm trong xử lý sai phạm và cũng không có việc "hạ cánh an toàn” khi nghỉ hưu nếu có sai phạm khi còn đương chức. Điều này đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm và góp phần đấu tranh, ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; khắc phục một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”,"tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thời gian qua được thực hiện hết sức tích cực, hiệu quả; nhưng hiệu quả hoạt động kiểm tra đảng của các cấp dưới, đặc biệt là công tác kiểm tra đảng, thanh tra đối với cùng cấp, trong cùng một cơ quan, tổ chức có kết quả hết sức hạn chế. Các cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát vẫn diễn ra đều đặn, thường xuyên nhưng ít khi phát hiện ra sai phạm. Các kết luận thanh tra nhiều khi chung chung, không quy kết được sai phạm, từ đó ít trường hợp bị cách chức, ít trường hợp bị chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Có một thực trạng là hầu hết các vụ việc tiêu cực vẫn là do nhân dân, do báo chí phát hiện. Việc tự phát hiện, phát giác tiêu cực, đấu tranh với tham nhũng trong nội bộ đơn vị, tổ chức còn hết sức hạn chế. Đó chính là biểu hiện của việc nể nang, né tránh trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thẳng thắn đánh giá rằng, đang có tình trạng cấp trên "đốt lửa to", cấp dưới "chậm đốt lửa" hoặc "đốt lửa nhỏ" trong khi suy thoái, tham nhũng hằng ngày, hằng giờ hủy hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước. Do đó, cần phải có thêm các chế tài xử lý thật mạnh đối với các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với các vụ việc đã được kiểm tra, thanh tra ở cơ sở nhưng không phát hiện ra sai phạm, sau đó được cơ quan cấp trên chỉ ra sai phạm.

Gần đây, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được tăng cường thực hiện. Ban Chấp hành Trung ương đã có quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Quốc hội, HĐND các cấp cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này là một biện pháp giám sát, đánh giá cán bộ, đại biểu Quốc hội một cách trực tiếp và có thể mang lại hiệu quả cao. Do đó, cách thức tiến hành hoạt động này cần phải được thiết kế sao cho ngày càng nâng cao tính thực chất, là cơ sở để đánh giá đúng cán bộ thực thi tốt nhiệm vụ và có thể loại bỏ được những cán bộ "có vấn đề”.

Để mài giũa những "thanh kiếm” phòng chống tiêu cực, vừa qua, tại cuộc họp tổng kết của hai Ban chỉ đạo 138 và 389 Quốc gia, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu phải phòng, chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm và sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát; kể cả giám sát, kiểm tra bí mật đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi cấu kết, bao che tội phạm. Đây là một biện pháp tình thế đối với thực trạng hiện nay. Phải bí mật giám sát cán bộ có dấu hiệu sai phạm, bởi nếu công khai, cán bộ ấy sẽ tìm cách này, cách khác vô hiệu hóa khiến công cuộc phát hiện xử lý cán bộ sẽ gặp khó khăn.          

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nếu được thực hiện đúng chức năng của mình sẽ có tác dụng như một cây roi hoặc thậm chí như một thanh bảo kiếm kề vào cổ những đối tượng vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật, ngăn chặn, hạn chế tình trạng tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Thế nhưng, nếu như không phát huy đúng công dụng của mình, các công cụ ấy chỉ như một dải lụa mềm, không làm đối tượng e ngại. Do đó, trong thời gian tới cần thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, từ đó mới nâng cao được hiệu quả kiểm soát quyền lực.
 
(Theo QĐND)

Các tin khác

Ngày 7/5/2018, cách đây 64 năm, ngày 7/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành chiến thắng vang dội trước quân đội thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

20 năm qua, Chiến lược cán bộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, tạo khung thể chế cho sự định hình và phát triển đội ngũ cán bộ của thời kỳ phát triển mới của đất nước. Xin giới thiệu toàn văn bài viết của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương:

Pháo binh ta trên chiến trường Điện Biên Phủ.

YBĐT - Nói đến pháo binh ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, rất nhiều người biết đến một chiến thuật đầy hy sinh, gian khổ "kéo pháo vào, kéo pháo ra” để nghi binh địch của Trung đoàn pháo binh Tất Thắng (Trung đoàn 45). 

Hôm nay (7/5), Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII sẽ khai mạc, tập trung bàn, cho ý kiến đối với ba đề án quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục