Bài 5: Gợi mở tư duy và cách làm mới (tiếp theo và hết)
- Cập nhật: Thứ ba, 8/5/2018 | 12:09:19 PM
YênBái - Để kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền”, Trung ương và cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, đề ra những giải pháp sát, đúng.
|
PGS, TS Nguyễn Hữu Tri, Phó viện trưởng phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng: "Ai cũng muốn có chức, có quyền và điều này chưa thể khẳng định là xấu. Bản thân tôi cũng muốn "vận động” để có chức. Thăng tiến để bản thân có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn chức với mục tiêu vào chức ấy để lợi dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho tổ chức".
Quan điểm trên cũng được nhắc lại tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương và một số chuyên gia về công tác xây dựng Đảng tại 12 cuộc hội thảo, hội nghị. Nhiều đại biểu cho rằng, phải mở rộng dân chủ, công khai hóa thông tin trong công tác cán bộ, nên công khai hóa từng vị trí công tác mà các cấp cần tuyển chọn kèm theo công khai tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện... để đông đảo cán bộ, đảng viên sớm đồng thuận nhận thức, hành động.
Nếu chúng ta tổ chức một cuộc đi bộ công khai như trong thi đấu thể thao ở một kỳ Olympic thì chẳng ai chạy được cả. Họ buộc phải đi bộ, thi đấu với nhau bằng chính sức lực của mình một cách công bằng. Nếu chạy thì có nghĩa là phạm luật, bị thải loại; chạy mà thắng cũng không được công nhận. Trong công tác cán bộ cũng vậy, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết: "Trung ương rất quyết liệt, nếu phát hiện người chạy chức, chạy quyền thì sẽ không trọng dụng, sử dụng cán bộ ấy nữa”.
Từ khi có chính quyền cách mạng non trẻ, đất nước ta đã tổ chức 14 kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đây thực chất là việc công nhận các hình thức vận động tranh cử của cán bộ, đảng viên. Việc cán bộ các cấp tiếp xúc cử tri trước bầu cử thể hiện rõ chiến lược vận động của từng cá nhân cụ thể; thuyết trình, bảo vệ các chương trình hành động trước cử tri và nhân dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần bám sát quan điểm, chủ trương, nguyên tắc của Đảng và pháp luật Nhà nước để nghiên cứu mở rộng các hình thức "vận động” tranh cử vào một số chức danh, vị trí nhất định trong bộ máy chính trị. Việc làm này cần tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp, vừa làm vừa tổng kết, đúc rút kinh nghiệm; cần thí điểm một số chức danh, vị trí...
Mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý
Nhiều ý kiến cho rằng, thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo là một cách làm hay chống "chạy chức, chạy quyền” hữu hiệu.
Tuy nhiên, nếu tổ chức thiếu chặt chẽ, có thể dẫn đến những tranh cãi pháp lý kéo dài như chuyện thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường Đại học Luật ở Bộ Tư pháp. Nhiều nơi còn biểu hiện lúng túng trong khâu thẩm định, chấm điểm, nội dung và hình thức tổ chức thi…
Quyền lực tập trung có dễ kiểm soát?
Từ Đại hội khóa X, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 223-TB/TW về thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Trong nhiệm kỳ 2010-2015 đã có 75 bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp huyện và 805 bí thư kiêm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, hiện đã có 50 bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp huyện và 439 bí thư kiêm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Theo khảo sát của Báo Quân đội nhân dân ở Hà Giang, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Hậu Giang cho thấy, việc thực hiện mô hình thí điểm góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND vừa là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng và của cấp ủy cấp trên, vừa là người trực tiếp chỉ đạo UBND tổ chức thực hiện. Do đó, các nhiệm vụ được triển khai thực hiện kịp thời và còn góp phần làm cho bộ máy gọn nhẹ, tiết kiệm ngân sách.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, khi bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND thì quyền lực tập trung vào một người, trong khi chưa hoàn thiện cơ chế cụ thể để kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực thì dễ dẫn đến tiêu cực, độc đoán, chuyên quyền... Một số nơi do không có phương án bố trí, điều động công tác hợp lý nên cũng phát sinh tư tưởng, mâu thuẫn. Có nơi, chủ trương nhất thể hóa lại dẫn đến cuộc chạy đua quyền lực trong nội bộ…
Thanh lọc cán bộ sai phạm
Trao đổi với phóng viên báo chí đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, kiểm soát quyền lực, chống "chạy chức, chạy quyền” là công việc rất khó, cần làm quyết liệt, kiên quyết, kiên trì.
Việc cần làm ngay là tập trung giải quyết, xử lý triệt để các vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm liên quan đến "chạy chức, chạy quyền”. Phải tiến hành đợt tổng rà soát ở tất cả các cấp, các ngành và địa phương để xử lý tận gốc những vấn đề người dân bức xúc liên quan đến công tác cán bộ; tạo ra môi trường trong sạch, lành mạnh đồng bộ, tạo đà cho việc triển khai các giải pháp chống "chạy chức, chạy quyền” tiếp theo. Xử lý kịp thời, dứt điểm là cách tốt để giúp cá nhân cán bộ và tổ chức nếu có sai sót sữa chữa, khắc phục.
Cùng với đó cần nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính và xử lý bằng pháp luật những trường hợp vi phạm các quy định, quy chế về công tác cán bộ, bao gồm tập thể, cá nhân có thẩm quyền quyết định, có chức năng tham mưu đề xuất, thẩm định, thẩm tra nhân sự.
Sớm có cơ chế từ chức, "có lên có xuống, có vào có ra”
Rất cần có những quy định cụ thể để tạo tiền lệ thuận lợi cho cán bộ từ chức khi không đảm nhiệm tốt cương vị, cán bộ chủ động từ chức hoặc bị đình chỉ, cho thôi chức vụ tùy theo từng trường hợp.
Dùng giá trị để kiểm soát quyền lực
Thay cho lời kết của loạt bài viết, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) với một mô hình có rất nhiều cách làm hay trong dùng người, trong đó có khía cạnh kiểm soát quyền lực.
Viettel hiện có tổng quân số khoảng 50.000 người, trong đó có gần 10.000 người nước ngoài nhưng hầu như không thấy nói có tiêu cực, chạy chức chạy quyền. Cán bộ Viettel phải có tố chất "3 trong 1”, vừa là nhà lãnh đạo, vừa quản lý vừa giỏi chuyên môn kỹ thuật để có thể tổ chức thực hiện, quản lý, điều hành triệt toàn diện, sát sao.
Để đạt được năng suất lao động năm 2017 bình quân 3,09 tỷ đồng/người, Viettel luôn khuyến khích mỗi thành viên đi đến việc được ngồi ghế lãnh đạo sao cho xứng đáng nhất, ai chưa xứng đáng sẽ bị thanh lọc. Chuyện chạy chức chạy quyền theo nghĩa tiêu cực là rất khó xảy ra. Ngược lại, chỉ có chuyện "tháo chạy” khỏi ghế lãnh đạo vì thấy mình không đủ sức đảm đương. Nhiều người sợ không dám nhận ghế lãnh đạo và người "rút” đều trong tâm phục khẩu phục.
Các tin khác
YBĐT - Sáng 8/5, đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác đào tạo nghề có trả lương tại Cộng hòa Liên bang Đức.
YBĐT - Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Sơn A, huyện Văn Chấn luôn bám sát định hướng chỉ đạo của đảng bộ cấp trên; chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết với nội dung cụ thể, sát thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
Chiều tối 7/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo sáu tỉnh miền núi Tây Bắc gồm Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Điện Điên, Lai Châu, Sơn La về Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai.
Ngày 7/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư.