Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, triển khai ngay phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ; huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm những người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người chết, mất tích, bị thương, gia đình chính sách; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân bị đói; rà soát các khu vực dân cư nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngầm tràn, khu vực ngập sâu.
Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các quân khu, các lực lượng đóng chân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương…
* Ngày 20-7, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tổ chức tổng kết công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ đầu năm 2017 đến nay và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì.
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia, 6 tháng đầu năm 2018, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Mưa dông, lốc kèm theo mưa đá tại nhiều địa phương làm hư hỏng nhiều nhà ở. Tai nạn, sự cố, cháy nổ nghiêm trọng có chiều hướng tăng. Các sự cố, thiên tai, tai nạn xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, xảy ra 1.132 vụ (tăng 28 vụ), làm chết 244 người (giảm 55 người), mất tích 104 người (tăng 26 người), bị thương 251 người (giảm 109 người).
Trên cả nước, đã điều động hơn 439.600 lượt người; 9.300 lượt phương tiện các loại để ứng phó, trong đó nòng cốt là cán bộ, chiến sĩ, phương tiện của các lực lượng vũ trang và các lực lượng tại chỗ. Kết quả, đã cứu được 5.438 người (tăng 11%) và 358 phương tiện (tăng 23%)…
Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nặng cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Tính đến 18h ngày 20-7, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 10 người chết, 11 người mất tích; 98 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 82.460ha lúa, hoa màu bị úng ngập; sạt lở nhiều tuyến giao thông thuộc địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… Tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nhất: 8 người chết, 9 người mất tích.
Tại TP Hà Nội, mưa lớn đã khiến mực nước sông Tích dâng nhanh, đạt mức báo động I, gây ngập úng hơn 320ha lúa mới gieo cấy của các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức… Ngày 20-7, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị 5 doanh nghiệp thủy lợi thành phố tiếp tục vận hành 179 trạm, với 522 máy bơm tiêu úng cho diện tích lúa bị úng ngập; đồng thời, yêu cầu các huyện vùng ven đê sông Tích tăng cường lực lượng ứng trực, xử lý ngay sự cố đê điều, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên Biển Đông đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới. Đến 13h hôm nay (21-7), tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực phía Bắc Biển Đông; sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên hôm nay và nhiều ngày tới, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó có TP Hà Nội tiếp tục xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.
Trước diễn biến trên, tối 20-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa triển khai ngay các phương án ứng phó với thiên tai trên biển…
(Theo HNMO)