Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa lớn kéo dài nhiều ngày trên diện rộng khiến lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, phóng viên Báo Yên Bái điện tử đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh nội dung này.
Phóng viên Báo Yên Bái điện tử trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy về bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn
Phóng viên: Thưa đồng chí! Được biết ngay sau cơn bão số 3, Thường trực Tỉnh ủy đã Quyết định hoãn các cuộc họp quan trọng để tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ. Xin đồng chí cho biết khái quát về tình hình thiệt hại cũng như công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Đỗ Đức Duy:
Ngay trước khi xảy ra hiện tượng mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, mưa lớn, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng, từ ngày 19/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã quyết định điều chỉnh lịch công tác để tập trung toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Trong đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành đã phân công và trực tiếp bám nắm địa bàn. Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà và Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đến những địa bàn trọng điểm nhất, khó khăn nhất là hai huyện Văn Yên và Văn Chấn để huy động tất cả các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai. Tỉnh cũng đã huy động tổng lực khoảng 18 ngàn người từ tỉnh đến cơ sở và lực lượng vũ trang cùng với lực lượng tăng cường từ Quân khu 2 tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trực tiếp có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ xảy ra tại huyện Văn Chấn.
Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 17 người chết và mất tích, 20 người bị thương; hơn 1.540 nhà bị ảnh hưởng hư hại, trong đó có 158 nhà bị sập trôi hoàn toàn, 175 nhà bị hư hỏng nặng và ở những vị trí khó khăn, nguy hiểm phải di dời khẩn cấp; hơn 3.200 ha lúa hư hỏng. Đặc biệt, mưa lũ phá hỏng hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng điện, thông tin viễn thông. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 700 tỷ đồng.
Đến thời điểm này đã tìm kiếm được 15 trong tổng số 17 người chết và mất tích; những người bị thương đã được chăm sóc, điều trị chu đáo.
Về công tác di dời, bố trí người dân có nhà sập trôi hoàn toàn, nhà ở vị trí nguy hiểm, toàn tỉnh đã bố trí di dời gần 700 hộ gia đình đến nơi ở an toàn; thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội cho các hộ có người chết, mất tích, bị thương và những hộ có nhà bị sập trôi hoàn toàn, nhà hư hỏng nặng. Tỉnh đã huy động lực lượng để khắc phục hệ thống hạ tầng cơ sở, đến nay đã giải quyết cơ bản đảm bảo tiếp cận giao thông, điện, thông tin liên lạc đến trung tâm các xã vùng lũ.
Phóng viên: Huyện Văn Chấn là địa bàn trọng điểm, thiệt hại về người và tài sản khá nặng nề, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; mưa lũ còn gây chia cắt cô lập nhiều địa bàn vùng cao, vùng sâu, khó khăn cho việc hỗ trợ ứng cứu và khắc phục thiệt hại. Là người trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, xin đồng chí cho biết, công tác cứu trợ cũng như khắc phục thiệt hại tại huyện Văn Chấn đến thời điểm này?
Đồng chí Đỗ Đức Duy:
Đợt mưa lũ này xảy ra trên diện rộng gồm 5 huyện, thị và thành phố Yên Bái, trong đó nặng nề nhất là huyện Văn Chấn có 3 xã Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương và một số thôn bản khác bị cô lập hoàn toàn. Sau 5 ngày huy động các lực lượng cứu hộ, cứu nạn nỗ lực khắc phục, Văn Chấn đã kiểm soát được tình hình, đã giải quyết cơ bản các vấn đề. Về công tác đảm bảo an sinh xã hội đã hỗ trợ đến 100% đối tượng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy băng rừng tiếp cận các xã bị cô lập
Điều quan trọng nhất là khi xảy ra tình trạng cô lập trên diện rộng, tỉnh đã huy động tổng lực để khắc phục nhanh hệ thống giao thông, hệ thống điện và thông tin liên lạc. Đến nay đã tiếp cận giao thông với trung tâm các xã và hầu hết các thôn. Sau khi khắc phục được hệ thống giao thông, đồng thời tiến hành hỗ trợ an sinh xã hội và giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Phóng viên: Được biết, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Yên Bái liên tiếp xảy ra những trận mưa lũ lớn, gây ra lũ ống, lũ quét và ngập lụt, thiệt hại khá nặng nề, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông. Vậy bên cạnh những nỗ lực để khắc phục thiệt hại, tỉnh Yên Bái đang gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Đức Duy:
Tỉnh Yên Bái còn gặp một số khó khăn do diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều với tần suất lớn. Có những vị trí lũ ống, lũ quét đã hàng trăm năm chưa từng xuất hiện. Những năm vừa qua, mỗi đợt lũ ống, lũ quét lại thay đổi địa bàn, tác động khác nhau trong điều kiện địa hình chia cắt mạnh của tỉnh nên rất dễ bị cô lập trên diện rộng.
Bên cạnh đó, do điều kiện trang thiết bị còn lạc hậu nên việc tiếp cận cũng như giải quyết, xử lý các tình huống khi xảy ra mưa lũ cũng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, quỹ đất ở và tái định cư để đảm bảo ổn định và an toàn trước tác động của thiên tai cũng còn hạn chế. Nếu không tính toán chi tiết, kỹ lưỡng các giải pháp về sản xuất nông nghiệp thì khi xảy ra thiên tai sẽ mất rất nhiều thời gian để khắc phục và ổn định.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy thăm hỏi, động viên, chia buồn với các gia đình có người bị thiệt mạng.
Tỉnh đã có tổng kết đánh giá và có đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp hỗ trợ các tỉnh trung du và miền núi nói chung, trong đó có tỉnh Yên Bái, cần có nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu để tính toán đến điều kiện thực tế cũng như diễn biến cực đoan của thời tiết trong những năm gần đây.
Trung ương cũng cần quan tâm hỗ trợ có thêm các nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông; hỗ trợ nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung nhằm giải quyết tái định cư cho nhân dân gắn với khu vực có đất sản xuất.
Tỉnh đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương nghiên cứu đầu tư các trang thiết bị cảnh báo, dự báo thiên tai; các trang thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn và các trang thiết bị hỗ trợ phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Phóng viên: Vậy, trong quá trình chỉ đạo, điều hành công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là đối với địa bàn vùng cao, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm gì trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, thưa đồng chí ?
Đồng chí Đỗ Đức Duy:
Qua mỗi lần mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh đã rút ra cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Thông qua đợt mưa lũ vừa qua, tình hình mưa lũ, sạt lở đất xảy ra gây chia cắt trên rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản thì chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm quý, đó là:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải luôn chủ động đi trước một bước; chúng ta phải làm tốt công tác phòng tránh để giảm thiểu những thiệt hại.
Thứ hai là, chúng ta phải thực hiện thật tốt công tác dự báo sớm đến cấp cơ sở, đến từng người dân. Như trong đợt mưa lũ vừa qua, do chúng ta làm tốt công tác dự báo, cảnh báo và chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến cơ sở nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão lũ gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" tập trung khắc phục hậu quả bão lũ.
Thứ ba là, đối với địa bàn vùng cao bị chia cắt do bão lũ, sạt lở đất, chúng ta cần phát huy thật tốt phương châm "4 tại chỗ” và kinh nghiệm cho thấy là trong thời gian qua, một số địa bàn của huyện Văn Chấn bị chia cắt, cô lập trong thời gian dài nếu chúng ta không thực hiện thật tốt phương châm "4 tại chỗ” thì sẽ gây tác động lớn và công tác khắc phục sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, qua đi kiểm tra, nắm tình hình thì một số địa phương chưa làm thực sự tốt công tác hậu cần tại chỗ, vẫn còn biểu hiện chủ quan khi mà lương thực, máy móc được trang bị và lực lượng chúng ta không thiếu nhưng lại để bị động, trong khi giao thông chưa được thông suốt để hỗ trợ kịp thời.
Do vậy, trong thời gian tới, các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở phải quan tâm hơn nữa đến phát huy phương châm "4 tại chỗ”, đặc biệt là vấn đề lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Vấn đề nữa đó là, địa bàn tỉnh Yên Bái luôn bị chia cắt lớn và rất dễ bị chia cắt khi có mưa lũ xảy ra nên chúng ta phải quan tâm làm tốt hơn nữa công tác củng cố hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn, tăng cường kết nối các tuyến đường giao thông liên thôn, bản; các tuyến đường chiến lược, tuyến đường cơ động để tránh tình trạng bị cô lập như hiện nay để khi có mưa bão xảy ra có thể tiếp cận thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, an sinh xã hội để sớm ổn định đời sống cho nhân dân.
Một bài học kinh nghiệm rút ra nữa, đó là chúng ta vẫn cần phải tăng cường đầu tư trang thiết bị cho việc dự báo, cảnh báo cũng như một số hệ thống trang thiết bị khác để chúng ta khắc phục tại chỗ. Có như vậy thì khi xảy ra hiện tượng chia cắt, các lực lượng tại chỗ mới ứng cứu kịp thời và giải quyết nhanh hậu quả thiên tai gây ra.
Phóng viên: Vâng, xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!
Đức Toàn - Quyết Thắng (thực hiện)