Thời gian gần đây rất nhiều bạn đọc và người dân thắc mắc về việc xin chuyển tuyến trong quá trình điều trị bệnh; nhiều ý kiến phản ánh các cơ sở y tế gây khó khăn, không cho bệnh nhân (có tham gia bảo hiểm y tế) chuyển lên tuyến trên điều trị hoặc không được hưởng đầy đủ chế độ do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả trong quá trình thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Có thể nói, mỗi khi ngã bệnh ai ai cũng có tâm lý mong muốn được các bác sỹ giỏi nhất cùng với các trang thiết bị y tế hiện đại và được dùng các loại thuốc tốt nhất. Tuy nhiên, đã là người bệnh, đã tham gia BHYT thì bất cứ ai cũng phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định hiện hành nhằm bảo đảm sự công bằng, ổn định và phát triển chung.
Việc chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế đã được quy định rõ tại Thông tư số 14/2014 của Bộ Y tế. Theo đó, Điều 5, Chương II của Thông tư đã chỉ rõ về điều kiện chuyển tuyến như sau:
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB) chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở KB, CB đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở KB, CB đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở KB, CB đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;
b) Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở KB, CB tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở KB, CB tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn;
c) Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở KB, CB tuyến 4).
2. Cơ sở KB, CB chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới phù hợp khi người bệnh đã được chẩn đoán, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới.
Các trường hợp chuyển người bệnh theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được coi là chuyển đúng tuyến. Các trường hợp chuyển người bệnh không theo đúng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được coi là chuyển vượt tuyến.
Trường hợp người bệnh không đáp ứng điều kiện chuyển tuyến theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nhưng người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh vẫn yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở KB, CB giải quyết cho người bệnh chuyển tuyến để bảo đảm quyền lựa chọn cơ sở KB, CB của người bệnh. Cơ sở KB, CB nơi chuyển người bệnh đi phải cung cấp thông tin để người bệnh biết về phạm vi quyền lợi và mức thanh toán chi phí KB, CB BHYT khi KB, CB không theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Quy định về việc chuyển tuyến trong quá trình điều trị là rất rõ ràng, tuy nhiên, vì tâm lý mong muốn được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất, được các thầy thuốc giỏi nhất thăm khám như đã nêu ở phần đầu bài viết nên đã có rất nhiều bệnh nhân và người nhà của họ đề nghị được chuyển lên tuyên trên, dù bệnh tình không nguy hiểm, không quá nặng, trong khi cơ sở y tế tại địa phương hoàn toàn có thể điều trị khỏi.
Bác sỹ Trung Hiếu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: "Đội ngũ cán bộ y tế vốn đã chịu rất nhiều áp lực trong quá trình làm việc, trong đó có cả việc giải thích, hướng dẫn cho bệnh nhân chuyển tuyến. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh thông thường nhưng cứ nằng nặc đòi chuyển lên tuyến trên; không được đáp ứng thì trách móc, phàn nàn, nhiều trường hợp còn đơn thư tố cáo hoặc gọi điện vào "Đường dây nóng” để phản ánh".
"Chúng tôi cam kết, trường hợp trong khả năng chuyên môn, đúng danh mục kỹ thuật thì phải giữ lại điều trị; nếu bệnh nhân mong muốn được chuyển thì chúng tôi vẫn chuyển nhưng trường hợp đó là trường hợp tự nguyện chuyển nên chỉ được hưởng tối đa 40% chi phí khám chữa bệnh theo quy định. Mong người dân hiểu rõ quy định chuyển tuyến của Bộ Y tế cũng như quy định về điều kiện thanh toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, thực tế chúng tôi cho chuyển thì BHXH cũng xuất toán” - bác sỹ Hiếu nói.
Ngành y tế Yên Bái không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần thái độ phục vụ.
Cũng theo bác sỹ Hiếu, một số trường hợp bệnh nhân tự ý lên tuyến trên điều trị mà không phải trường hợp cấp cứu. Trong quá trình người bệnh đó đang điều trị tại bệnh viện tuyến trung ương, người nhà quay trở lại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái xin giấy chuyển viện để được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh như chuyển viện đúng tuyến.
Những trường hợp này chúng tôi cũng không thể giải quyết được bởi Thông tư 14 của Bộ Y tế đã quy định rõ: "...Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến”. Như vậy, bệnh nhân không có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái thì chúng tôi làm sao có thể tiến hành hội chẩn và đưa ra chỉ định được; hơn nữa, phần mềm quản lý bệnh nhân BHYT của cơ quan Bảo hiểm xã hội luôn nắm rõ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện nào, không thể làm sai được".
Như chúng ta đã biết, mấy năm trở lại đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã có sự chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, đặc biệt là trình độ đội ngũ cán bộ được nâng cao nhờ sự quan tâm của tỉnh, nhất là được Bộ Y tế và các bệnh viện lớn như: Việt Đức, Bạch Mai, Tim, Nhi Trung ương... giúp đỡ.
Nhiều bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II, thạc sỹ, tiến sỹ; bác sỹ từ Ban Giám đốc đến các khoa phòng đã được cử đi đào tạo chuyên sâu. Thực hiện các thỏa thuận hợp tác y tế, các bệnh viện lớn tuyến Trung ương cũng đã cử các bác sỹ giỏi, tay nghề cao lên Yên Bái nhằm hướng dẫn, giúp đỡ đội ngũ cán bộ y tế Yên Bái nâng cao trình độ chuyên môn qua đó đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh, góp phần giảm bớt việc chuyển tuyến, hạn chế tình trạng quá tải tuyến Trung ương, giảm bớt chi phí, thời gian, công sức cho người bệnh, đồng thời ổn định nguồn quỹ khám, chữa bệnh của BHYT, đảm bảo công bằng trong việc thụ hưởng chế độ khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm.
Trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân, đội ngũ cán bộ y tế cần nắm rõ các quy định của Nhà nước, đặc biệt là quy định về KB, CB, về điều kiện chuyển tuyến, quy định thanh toán BHYT... nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích đầy đủ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, giúp họ hiểu và nghiêm chỉnh thực hiện.
Đội ngũ thầy thuốc đang làm việc tại các cơ sở y tế tuyến dưới cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ, giúp người dân yên tâm, tin tưởng mỗi khi đau yếu phải vào viện điều trị; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vì mục tiêu tự chủ về tài chính mà giữ bệnh nhân ở lại điều trị khi không đủ khả năng chuyên môn hoặc chuyên môn còn hạn chế, bởi tính mạng con người là trên hết.
Lê Phiên