Trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/10/2018 | 8:20:03 AM

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ phải là người có đức, có tài lớn, tức phải là người có tác phong công tác, làm việc, sinh hoạt sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, mở rộng dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Trong các bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ "nêu gương”, "làm gương” với tần suất rất nhiều. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng việc "nêu gương”, "làm gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XII) với nhiều chủ trương, quyết sách lớn được Trung ương quyết định; trong đó, có một nội dung quan trọng là: Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) vừa là vấn đề cấp bách trước mắt, vừa là vấn đề chiến lược lâu dài.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ

Xuất phát từ tư duy biện chứng, khoa học và cách mạng "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ. Trong nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, Người đặc biệt coi trọng giải pháp nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên”. Có thể khái quát tư tưởng này của Người trên một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích vì sao phải nêu gương?

Trong quá trình hoạt động cách mạng phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận: "Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (1). Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo, tức là phải nêu gương, làm mực thước cho quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm là một nội dung đạo đức truyền thống, là đạo lý của dân tộc và tư cách người cách mạng, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao.

Trong bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ năm 1963, Người nhắc nhở một điều mà Người cho là rất quan trọng: "Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hòa bình thống nhất nước nhà. Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được” (2).

Người cho rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi người phải nỗ lực hết mình, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải là những "đầu tầu gương mẫu”. Trong Bài nói với cán bộ tỉnh Hà Tây, Người nói về sự cần thiết phải nêu gương: "Muốn đẩy mạnh các mặt sản xuất, chiến đấu, văn hoá và các mặt khác, thì trước hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phải làm đầu tàu, gương mẫu. Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất là các chú từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Được thế thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên cùng với quần chúng nhân dân càng đoàn kết, các công việc đều sẽ trôi chảy, trước hết là công việc sản xuất và chiến đấu” (3).

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích phải nêu gương như thế nào?

Theo Người, nêu gương là phương pháp dùng sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến để tác động mạnh mẽ đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo. Bản chất của phương pháp nêu gương, xét ở góc độ tâm lí, nó chính là sự "bắt chước”, là hiện tượng tự nhiên của con người, họ bắt chước nhau một cách có ý thức, dựa trên những hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức và vốn sống của từng người. Vì thế, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người chỉ ra cách thức nêu gương của cán bộ, đảng viên: "Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế. Vì hiểu rõ và thực hành như thế, cho nên trong Đảng ta đã có những liệt sĩ oanh liệt hy sinh cho Đảng, cho dân tộc, cho Tổ quốc, mà tiếng thơm để muôn đời. Các liệt sĩ đó đã nêu gương anh dũng cho tất cả đảng viên và cán bộ ta bắt chước” (4).

Nói đi đôi với làm, đối lập với nói mà không làm của những người hứa suông hoặc "nói một đằng, làm một nẻo” của những kẻ cơ hội hoặc trốn tránh nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên "nói một đằng, làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa. Họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe. Và thực chất, họ đã tự tước đi vai trò của người lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hoá. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó” (5). Chính vì vậy, Người yêu cầu: "Đảng viên và đoàn viên nào còn lười biếng lao động, trốn tránh nghĩa vụ, thiếu đạo đức cách mạng, nêu gương xấu trong nhân dân, thì phải quyết tâm sửa đổi để trở thành đảng viên và đoàn viên tốt. Nếu không thì sẽ bị loại ra ngoài phong trào cách mạng” (6). Đây là nội dung của phong cách nêu gương về mọi mặt của cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức. Vì thế Người nhấn mạnh: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cách thức nêu gương theo Người là: "Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới” (7).

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước nhân dân.

Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì nhân dân của Người. Người không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người đã thực hành phong cách nêu gương một cách nhuần nhuyễn, hết sức mẫu mực và tự nhiên. Người kiên trì nêu gương về đạo đức còn nhiều hơn những điều Người nói và viết ra. Chính bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, một hình ảnh mẫu mực về "người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bản thân Người luôn ca ngợi và tự răn mình phải học tập tấm gương của các đảng viên cộng sản kiên trung của Đảng ta: "Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” (8).

Bác kêu gọi toàn dân tiết kiệm, bản thân Người nghiêm túc thực hiện, từ việc ăn, mặc đến sinh hoạt, làm việc hằng ngày, Bác đều gương mẫu. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong cả cuộc đời của Người.

Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt "giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện một cách triệt để mặc dù phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng… Trong bài Tại sao dân ta đói? Cứu đói phải như thế nào? Với bút danh C.T trên Báo Cứu quốc,  số 105, ngày 30-11-1945 Người viết: "Hồ Chủ tịch đã nêu gương nhường cơm sẻ áo, mười ngày nhịn ăn một bữa, và đã đỡ đần cho Hội Cứu đói ra đời” (9).

Tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Người trở thành một con người toàn vẹn với một cuộc sống mẫu mực tự nhiên trong suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy mà tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Người đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc, mãi mãi là tấm gương cho mọi người chúng ta học tập và phấn đấu làm theo.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược hiện nay

Trước hết, cần quan niệm cán bộ cấp chiến lược là bộ phận nằm ở thượng đỉnh của tháp nhân sự, giữ các vị trí trọng yếu mang tính quyết định toàn cục sự nghiệp cách mạng. Vai trò của cán bộ cấp chiến lược do vị trí, vị thế, trách nhiệm của nó quy định: "Cán bộ cấp chiến lược tạo thành bộ phận thuộc cơ cấu nhân sự thượng đỉnh của tổ chức, có chức năng hoạch định các quyết sách chiến lược cho toàn Đảng, toàn dân tộc; lập trình kế hoạch chiến lược để tối ưu hóa khả năng thực thi các quyết sách chiến lược; thu nhận, phân tích, xử lý, tổng hợp hóa các thông tin phản hồi từ đối tượng lãnh đạo - quản lý để hiệu chỉnh, thay đổi các quyết sách chính trị. Cán bộ chiến lược là bộ phận làm thành trụ cột, thống lĩnh toàn bộ đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và đất nước, có tính đại diện cho thể chế cầm quyền” (10).

Xuất phát từ tính đặc thù của của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, để phát huy trách nhiệm nêu gương của đội ngũ này cần làm tốt những yêu cầu sau:

Một là, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm "Trên trước, dưới sau”, "Trong trước, ngoài sau”, "Học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động.

Hai là, việc nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Trong đó, nội dung nêu gương về trách nhiệm trong công tác, cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm tiêu cực”.

Ba là, đối với cấp ủy đảng, đảng bộ, chi bộ cơ sở nơi có cán bộ cấp chiến lược sinh hoạt có trách nhiệm lãnh đạo nâng cao nhận thức, nắm vững về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu về trách nhiệm nêu gương của họ trong mọi tổ chức và hoạt động của tổ chức mình; chú trọng phát hiện, tạo nguồn cán bộ cấp lược, có tiêu chí để "sàng lọc” cán bộ. Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm của người lãnh đạo (đứng đầu) đơn vị về việc đào tạo, tiến cử người kế cận; cấp ủy của cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cấp chiến lược.

Bốn là, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải nêu gương trong việc xây dựng hình ảnh đẹp trước tập thể, trước nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII: Tập trung xây dựng Ban Chấp hành Trung ương theo hướng nâng cao chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt.

Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược "đủ tâm, đủ tầm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

(Theo dangcongsan.vn)

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 284

(2) Sđd, tập t 14, tr. 223;

(3) Sđd, tập 15, tr. 393

(4) Sđd, tập 5, tr. 291

(5) Sđd, tập 6, tr. 16

(6) Sđd, tập 14, tr. 183

(7) Sđd, tập 10, tr. 494

(8) Sđd, tập 11, tr. 602

(9) tập 2, tr. 126

(10) Đoàn Minh Huấn, "Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở nước ta hiện nay - quan niệm, đặc điểm và những mâu thuẫn cần giải quyết”, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/50569/Xay-dung-doi-ngu-can-bo-cap-chien-luoc-o-nuoc-ta.aspx

Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz gặp gỡ báo chí sau hội đàm.

Theo đặc phái viên TTXVN, nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Cộng hòa Áo từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 10 năm 2018.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.

"Vấn đề lãng phí tại sao cả xã hội biết, phụ huynh biết, học sinh biết, giáo viên cũng biết mà nhà quản lý lại không biết đó là lãng phí lớn?”

Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Siết chặt kỷ luật Đảng là đòi hỏi tất yếu khi Đảng giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc và Quốc vụ khanh Jakob Calice ký văn bản gia hạn hợp tác.

Bản ghi nhớ hợp tác về khoa học và nghiên cứu giữa Bộ Khao hoc-Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Bộ Giáo dục, Khoa học và Nghiên cứu của Liên bang Áo đã được ký kết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục