Người có chức quyền đứng trước cơ hội lớn để tiến bộ, trưởng thành nhưng cũng đứng trước những cạm bẫy tinh vi khiến họ suy thoái, biến chất. Chính vì vậy mà mỗi tổ chức đảng phải quan tâm phòng, chống tham vọng quyền lực trong cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Đây được xem là công việc quan trọng hàng đầu trong phòng, chống nguy cơ "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.
Hiểu đúng về bản chất quyền lực
Thế nào là tham vọng quyền lực? Tham vọng ở đây có thể hiểu là lòng ham muốn quá lớn, rất khó đạt được so với khả năng thực chất của mỗi người. Vì vậy, tham vọng quyền lực được hiểu là lòng ham muốn giữ những chức quyền cao hơn rất nhiều so với thực chất năng lực, đạo đức của người đó.
Ở nước ta, quan niệm "một người làm quan, cả họ được nhờ” đã tồn tại nhiều năm dưới chế độ phong kiến. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, một trong những điều vĩ đại nhất mà Đảng, Bác Hồ mang lại qua cuộc cách mạng này là quan niệm về quyền lực Nhà nước. Đảng ta là một đảng chính trị nhưng không có mục đích tự thân, Đảng chỉ có một mục tiêu hoạt động duy nhất là "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhà nước ta là đại diện quyền lực của nhân dân, Nhà nước chỉ có quyền sử dụng quyền lực ấy nhằm xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân chứ không có quyền sở hữu quyền lực đó. Đó là những điều khác biệt hẳn về chất của Đảng ta so với mọi loại hình đảng chính trị khác, cũng là sự khác biệt hoàn toàn của Nhà nước ta so với các loại hình nhà nước khác. Những đảng viên được Đảng cử, dân bầu nắm giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị, từ những đồng chí lãnh đạo cao cấp ở trung ương đến những đồng chí cán bộ ở cơ sở đều không phải là "quan cách mạng” mà là "công bộc” của nhân dân.
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải người cán bộ nào cũng thấm nhuần quan điểm là "công bộc” của nhân dân. Khi một người được giao giữ một chức vụ, quyền hạn nhất định thì chẳng những sẽ nhận được sự đãi ngộ về vật chất và tinh thần thích đáng của Nhà nước mà còn có thể sử dụng quyền hạn đó "ban phát” cho những người xung quanh trong nhóm lợi ích "quan hệ, đồ đệ, hậu duệ, tiền tệ”. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: "Quyền lực luôn có mặt trái là nó làm tha hóa những người nắm giữ và sử dụng quyền lực nếu như họ không đủ độ chín về nhân cách. Quyền lực càng lớn thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Người giữ chức vụ càng cao trong bộ máy quyền lực thì đối mặt với nguy cơ càng lớn về sự tha hóa”.
Sự tha hóa của những người có chức, có quyền là nguy cơ của mọi đảng cầm quyền. Chỉ hai năm sau khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc” đã chỉ rõ những căn bệnh của đảng viên "có chức, có quyền” như: Bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ... Trong đó, về bệnh tham lam và hiếu danh, Người phân tích: "Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình... Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình".
Có người cho rằng: Tâm lý con người nói chung ai chẳng thích quyền lực, không có gì hấp dẫn, cám dỗ con người bằng quyền lực. Quyền lực là thứ "gây nghiện” bằng tất cả những thứ "gây nghiện” khác cộng lại. Có quyền lực rồi lại muốn quyền lực lớn hơn. Vì vậy, việc Đảng ta quy định CB, ĐV không được "tham vọng quyền lực” là một quy định thiếu tính thực tế và phòng, chống tham vọng quyền lực là chống lại "quy luật khách quan” của xã hội? Hơn nữa, phòng, chống tham vọng quyền lực sẽ làm thui chột ý chí phấn đấu, cống hiến của CB, ĐV. Nói như vậy là chưa hiểu đúng bản chất quyền lực Nhà nước ta, càng không hiểu bản chất của Đảng ta.
Trong mọi chủ trương, chính sách cũng như trong hoạt động thực tiễn, Đảng ta luôn khuyến khích mọi đảng viên học tập, rèn luyện trở thành những người có đức, có tài để có đủ uy tín được nhân dân bầu vào giữ các chức vụ trong hệ thống chính trị. "Cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng”, "trọng dụng nhân tài, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, người ở trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là những quan điểm lớn, xuyên suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng ta.
"3 mũi tên” loại trừ tham vọng quyền lực
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", Đảng ta đã chỉ ra rất nhiều biểu hiện về tham vọng quyền lực.
Cụ thể là: "Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh”; "tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”; "kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng”, "háo danh”; "thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Những vụ "đại án” hay những trường hợp phải kỷ luật đối với một số đảng viên giữ chức vụ cao gần đây cho thấy, những người bị xử lý hầu hết đều rơi vào "mê cung tội lỗi” bởi vòng xoáy tham vọng quyền lực. Có người sau khi tỉnh ngộ đã xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân và thốt lên: "Giá như tôi được kiểm soát, giá như tôi được phê bình sớm”... Quả thực, quyền lực luôn là "con ngựa bất kham”, luôn sẵn sàng lồng lên quật ngã những người cưỡi nó, nếu họ không đủ nhân cách, bản lĩnh, năng lực cầm cương.
Tiễu trừ tham vọng quyền lực trong CB, ĐV là công việc quan trọng hàng đầu đối với một đảng cách mạng-cầm quyền như Đảng ta. Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, phức tạp, chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta sử dụng "ba mũi tên” sau đây:
Mũi tên thứ nhất là tiến hành giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức cho CB, ĐV về bản chất của Đảng và bản chất quyền lực Nhà nước ta. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi CB, ĐV vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Hằng năm, từng CB, ĐV phải có cam kết giữ gìn phẩm chất đạo đức, cam kết "không tham vọng quyền lực”.
Trong tự phê bình và phê bình, cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh với biểu hiện tham vọng quyền lực. Đặc biệt, khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với CB, ĐV phải coi trọng đánh giá đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.
Mũi tên thứ hai là quyết liệt đổi mới công tác cán bộ. Trước hết là thực hiện "nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế”. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức. Cùng với đó, phải tiến hành ngay việc rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật, xóa bỏ cơ chế "xin-cho", "lợi ích nhóm"... Chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ CB, ĐV.
Mũi tên thứ ba là phát huy vai trò của nhân dân trong phát hiện, xử lý những CB, ĐV tham vọng quyền lực. Các cấp ủy, chính quyền phải nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện nghiêm việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong giám sát và phản biện xã hội; huy động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhân dân có "trăm tai, nghìn mắt”, rất tinh tường trong việc phát hiện những cán bộ tham vọng quyền lực. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần coi trọng việc tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân về đội ngũ cán bộ.
(Theo QĐND)