Thay mặt các đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Triệu Thị Huyền bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ và đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2018, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Hội đồng Dân tộc.
Đại biểu Huyền cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách dân tộc đặc thù đã được ban hành, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giảm nghèo tích cực đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu,vùng xa.
Qua phản ánh và kiến nghị của cử tri, thấy rằng, trong giai đoạn vừa qua, nhiều chính sách được ban hành và theo Chính phủ thì hiện nay có 118 chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách được ban hành phù hợp với điều kiện kinh tế và kỳ vọng của nhân dân.
Tuy nhiên, theo đại biểu Huyền: nhiều chính sách, chương trình, đề án giàu tính nhân văn đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhưng việc bố trí nguồn lực thực hiện lại rất hạn chế. Có những chính sách từ khi ban hành, có hiệu lực thi hành đến nay chưa được bố trí nguồn lực hoặc bố trí rất ít để thực hiện.
Cụ thể như tại Quyết định 2086, ngày 30/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, tại tỉnh Yên Bái trong Đề án có xã Châu Quế Thượng của huyện Văn Yên có dân tộc Phù Lá là dân tộc rất ít người.
Đồng bào dân tộc Phù Lá nơi đây rất vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã rất mong mỏi được Chính phủ bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo tồn phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo cán bộ để theo kịp và phát triển đồng hành với các dân tộc khác, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo.
"Từ vấn đề nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm, hàng năm cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Theo đó, tiến hành rà soát các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; thu gọn đầu mối quản lý, quy định về cơ chế, về nguồn lực để đảm bảo thực hiện chính sách dân tộc có hiệu quả” - đại biểu Huyền đề nghị.
Về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2018 theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Huyền đồng tình với các đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội báo cáo các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các xã thuộc Chương trình 135 đã được ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm nhanh.
"Tỉnh Yên Bái có 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 75,11% vào đầu kỳ năm 2016 xuống còn 59,63% vào năm 2017” - đại biểu Huyền viện dẫn.
Đại biểu cũng cho biết, các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, khai hoang phục hóa, tạo ruộng bậc thang đã phát huy hiệu quả và có tác dụng thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Điển hình như người dân tộc Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải giờ đây đã biết phát triển du lịch trên Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, thông tin với Quốc hội, đại biểu Triệu Thị Huyền cho biết, qua các chuyến làm việc tại các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Yên Bái, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đồng ý chủ trương kết nối giao thông với các tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 949/QĐ-Ttg ngày 1/8/2018, giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Trong Dự án, tỉnh Yên Bái có dự án tuyến 2 nối thị xã Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Cho rằng dự án này hoàn thành sẽ kết nối các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh, các vùng kinh tế, góp phần để đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu có điều kiện vươn lên thoát nghèo, từng bước phấn đấu theo kịp miền xuôi, đại biểu Huyền kiến nghị: "Với mục tiêu và hiệu quả mang lại của Dự án, cử tri tỉnh Yên Bái tha thiết đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét, bổ sung Dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tại Kỳ họp thứ VI này”.
Minh Quang (lược ghi)