Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp phòng, chống tham nhũng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/11/2018 | 2:31:05 PM

YênBái - Ngày 10/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 13 đến nay.

Theo báo Nhân Dân, phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận thẳng thắn với tinh thần quyết liệt hơn, làm rõ, thống nhất cao nhiều vấn đề, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.

Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, nhất là: Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và các Thành viên Ban Chỉ đạo, đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các Phiên họp 13, 14 của Ban Chỉ đạo và cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo dấu ấn tốt, bước chuyển mạnh trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã nỗ lực, cố gắng, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành cơ bản đúng tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo đúng tinh thần chỉ đạo: Đã khởi tố mới 13 vụ án; kết thúc điều tra và điều tra bổ sung 15 vụ/209 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ/239 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ/181 bị cáo, với các mức án nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa cao (tuyên phạt: ba người mức án tù chung thân, một bị cáo mức án 30 năm tù; bảy bị cáo mức án từ 20 năm đến dưới 30 năm tù; 159 bị cáo từ 12 tháng đến dưới 20 năm tù...).

Từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27/4 đến nay, đã kết thúc điều tra 11 vụ án/151 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/193 bị can, đưa ra xét xử sơ thẩm 13 vụ án/121 bị cáo, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: (1) Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; (2) Vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79; (3) Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại các ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV; (4) Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; (5) Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam...

Tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử các vụ án: (1) Vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; (2) Vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Tích cực xác minh, điều tra làm rõ một vụ án, ba vụ việc, sáu kiến nghị của Hội đồng xét xử sơ thẩm liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; mở rộng điều tra, khởi tố mới hai vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.

Đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thành thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII). Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đang tích cực làm rõ sai phạm, để xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các cơ quan chức năng cũng đã tích cực kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật năm đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thanh tra Chính phủ kết luận và công khai kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; kết luận, chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, những kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTN; nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong PCTN. Tuy nhiên, đồng chí cho rằng còn một số hạn chế cần khắc phục, như khâu giám định. Đây là một kênh thông tin, một căn cứ để xử lý, nhưng không quá câu nệ, máy móc. Nơi giám định tốt thì khen, nơi làm chưa tốt thì nhắc nhở, phê bình; giám định không đúng, không khách quan, sai lệch thì phải xử lý, ít nhất là thay cán bộ. Phải xem xét, kiểm tra và giám định chính các cá nhân, tổ chức giám định, nhất là khi có vấn đề. Xét xử cả những người vi phạm trong quá trình thực hiện xét xử. Khâu nào còn chậm thì phải xem xét, làm rõ nguyên nhân.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, phấn đấu đến hết năm 2018 kết thúc điều tra tám vụ án; ban hành cáo trạng truy tố ba vụ án; xét xử sơ thẩm hai vụ án; xét xử phúc thẩm năm vụ án; kết thúc xác minh 33 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Trong đó, tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật các vụ án: (1) Vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; (2) Vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Khẩn trương xem xét xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm. Kết thúc điều tra, truy tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật.

Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm xảy ra tại ALCII.

Các cơ quan chức năng cần khẩn trương thực hiện giám định, định giá tài sản theo quyết định trưng cầu của Cơ quan điều tra, phục vụ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với hai vụ án, sáu vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng lưu ý tình trạng tham nhũng vặt, chọn một vài vụ chỉ đạo, xem xét; đồng thời chỉ đạo các địa phương phải ráo riết thực hiện hiệu quả kết luận của các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo, có hình thức khen thưởng nơi thực hiện tốt công tác đấu tranh PCTN và đẩy mạnh tuyên truyền cổ vũ cách làm hay, hiệu quả, nhắc nhở, phê bình nơi làm chưa tốt./.

(Theo chinhphu.vn)

Các tin khác

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề xảy ra ở cơ sở là yêu cầu đặt ra đối với mỗi tổ chức Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018.

Tối 09/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND Tp. Hà Nội tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi Lễ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người chúng ta phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Mario Diáz Canel Bermúdes sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần thắt chặt thêm quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục