Tuần qua, dư luận nhân dân cả nước hết sức quan tâm và bày tỏ đồng thuận cao với quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ chống lại cái xấu, cái ác; chống lại thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, xa dân của những cán bộ thoái hóa, biến chất, mà còn sàng lọc, sớm loại bỏ một bộ phận cán bộ được ví như những "con lươn, con chạch” leo cao, chui sâu vào bộ máy.
Trong suốt tuần qua, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử công khai hai cựu cán bộ ngành Công an có hành vi "bảo kê”, tiếp tay cho tội phạm đánh bạc.
Nhìn hai cựu sĩ quan cao cấp trong lực lượng công an ngày nào được ngợi ca do có nhiều chiến công phá án, nay phải đứng trước tòa - những đồng chí, đồng đội của họ và người dân không khỏi đau xót.
Đau xót bởi sự tha hóa của quyền lực lại xảy ra đối với những người đứng đầu trong lực lượng được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an tin tưởng được giao nhiệm vụ phòng chống tội phạm; những người đã từng được các tầng lớp nhân dân tin yêu, đùm bọc, sẻ chia, nay bỗng "ngã lòng”, bảo kê cho tội phạm để làm điều trái đạo lý, trái pháp luật.
Đau xót, bởi trước đó họ đã từng là khắc tinh của các loại tội phạm hình sự, đã từng một thời xông pha, bất chấp nguy hiểm tính mạng để giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đau xót, bởi những khi khó khăn, nguy hiểm đã không làm bản lĩnh của họ ngả nghiêng, vậy mà sự cám dỗ của đồng tiền bất chính như những "viên đạn bọc đường” đã hạ gục hai cựu tướng công an. Thực chất đó là sự tha hóa của quyền lực mà họ chủ quan cho rằng "không ai có thể kiểm soát nổi”.
Đau xót, nhưng vẫn phải xử lý thật nghiêm để cảnh báo cho những kẻ đã "nhúng chàm” mà chưa tự gột rửa và những kẻ cơ hội khác. Xử lý thật nghiêm để bù đắp những mất mát cho hàng ngàn, hàng vạn gia đình đã tan nát bởi nạn cờ bạc đang ngày càng biến tướng tinh vi, lây lan như một bệnh dịch khắp mọi ngõ ngách. Xử lý thật nghiêm để lấy lại niềm tin, danh dự cho những cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh hoặc mang thương tích suốt đời trong cuộc chiến chống tội phạm, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Cũng trong tuần qua, với "sai phạm rất nghiêm trọng” của ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy TP HCM mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn mong muốn cơ quan có thẩm quyền cần tìm ra "nhóm lợi ích” của ông này là những ai?
Từ vụ việc của ông Tất Thành Cang và việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm thời gian gần đây, nhất là những cán bộ đương chức, cho thấy: Một bộ phận cán bộ trẻ các cấp được quy hoạch và có khả năng giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn ... rất có thể bị sa ngã nếu họ không ý thức được trách nhiệm đóng góp mà chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân và nhóm lợi ích của họ.
Thực tế cho thấy, khi chưa được trao giữ quyền lực, những người này thường thể hiện sự năng nổ, nhiệt tình, xông xáo, gần dân, nhưng khi ở vị trí lãnh đạo quản lý, nhiều người trong số họ bắt đầu tỏ thái độ "kiêu ngạo cộng sản”, xa lánh bạn bè, đồng chí, chạy theo danh vọng, tỏ rõ uy quyền, hưởng lạc cuộc sống vật chất xa hoa, bất chấp các quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng.
Nếu quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ và vi phạm của họ không được phát hiện, xử lý, lại còn được "nâng đỡ không trong sáng” thì chính những người này sẽ trực tiếp làm suy yếu tổ chức Đảng từ bên trong, và trở thành "mầm họa” của đất nước.
Chống tiêu cực, tham nhũng "không có vùng cấm”, bất kể người đó đương chức hay đã về hưu, bất kể cán bộ trẻ hay cán bộ nguồn - là sớm loại bỏ những kẻ thoái hóa, biến chất. Việc đấu tranh, xử lý các nhóm lợi ích là từng bước sàng lọc phát hiện những kẻ cơ hội, tham nhũng được ví như những "con lươn, con chạch” ở các ngành, các cấp, các địa phương; góp phần quan trọng trong việc xây dựng bộ máy trong sạch, hiệu quả, đem lại niềm tin cho nhân dân.
(Theo HNMO)