Trong đó, Thành ủy yêu cầu việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hàng quý, hàng năm và nêu rõ trách nhiệm cơ quan chức năng phải thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của nhân dân.
Thực tế, không phải chờ đến khi có Quy chế cũng như các vấn đề "nóng”, trước đó, thành phố Yên Bái đã chủ động tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân. Với nhiều vấn đề người dân kiến nghị tại các hội nghị đối thoại, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đều yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, không chung chung, hình thức mà ấn định thời gian cụ thể phải dứt điểm. Nội dung của cuộc đối thoại, đặc biệt là chỉ đạo giải quyết kiến nghị của người dân được ghi rõ vào biên bản.
Đây là căn cứ để lãnh đạo thành phố kiểm điểm và Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan chức năng thành phố sau này.
Ngay trong quý II/2018, thành phố Yên Bái đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố với cán bộ và nhân dân 17 xã, phường của thành phố về thực hiện chủ trương sắp xếp thôn, tổ dân phố.
Theo dự thảo, sau khi sắp xếp lại thôn, tổ dân phố thành phố sẽ giảm từ 506 thôn, tổ dân phố hiện nay xuống còn 127 thôn, tổ dân phố. Trong đó, có 89 tổ dân phố, giảm 357 tổ và 38 thôn, giảm 22 thôn.
Tại hội nghị, đại diện cán bộ và nhân dân 17 xã, phường của thành phố đã tham gia 30 ý kiến xung quanh việc triển khai sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn, như: khó khăn trong việc sinh hoạt của các thôn, tổ dân phố sau sắp xếp do địa bàn rộng, đông dân cư hơn; việc nắm bắt tình hình, tâm tư tình cảm của nhân dân của các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố sau sắp xếp lại; công tác bố trí cán bộ ở cơ sở, nhất là vị trí bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố cần phải đúng người có đủ trình độ, năng lực và lòng nhiệt tình công tác; việc sắp xếp lại cần phải tính đến yếu tố hợp lý về mặt địa giới, phân bố đảng viên trong thôn, tổ dân phố; cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố cần phải rõ ràng cũng như cần quy định cụ thể vai trò, quyền hạn của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố…
Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn và cởi mở, đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Yên Bái đã tiếp thu và giải trình các nội dung ý kiến của nhân dân thành phố nêu ra tại hội nghị.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chức năng; cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và nắm bắt được những nội dung cơ bản của chủ trương sắp xếp thôn, tổ dân phố trong toàn quốc nói chung và thành phố Yên Bái nói riêng, nhằm thống nhất tư tưởng và cùng chung tay thực hiện việc sắp xếp thôn, tổ dân phố trên địa bàn đạt hiệu quả cao nhất.
Để giải đáp những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, trong 11 tháng năm 2018, từ thành phố đến xã, phường tổ chức 36 cuộc đối thoại. Trong đó, cấp thành phố tổ chức 2 cuộc đối thoại với nội dung về sắp xếp thôn, tổ dân phố cho trên 400 lượt người.
Các phường, xã đã tổ chức 34 cuộc đối thoại với trên 2.000 lượt người tham dự. Nội dung tập trung về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; công tác giáo dục, quy hoạch quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị, giải phóng mặt bằng, sắp xếp thôn, tổ dân phố, quản lý cấp phép xây dựng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội...
Nhìn chung, tại các cuộc đối thoại, trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn và cởi mở, các đồng chí cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã kịp thời tiếp thu và giải trình các nội dung ý kiến của người dân nêu ra.
Đồng chí Lê Toàn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Âu Lâu cho biết: "Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã quy định rất cụ thể về các bước tổ chức đối thoại, xác định rõ nhiệm vụ của các bộ phận tham mưu để tổ chức một cách hiệu quả. Ngay sau hội nghị đối thoại của các đồng chí lãnh đạo thành phố về nội dung kết quả xây dựng đề án sắp xếp thôn, tổ dân phố ở thành phố, Đảng bộ xã Âu Lâu đã tổ chức được hai cuộc đối thoại giữa những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân về nội dung quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và nội dung an sinh xã hội khắc phục hậu quả thiên tai với 150 lượt người tham dự. Tại hai cuộc đối thoại có 15 đại biểu nhân dân đã đưa ra 8 kiến nghị trực tiếp và 10 phiếu đối thoại, tập trung vào 10 nhóm vấn đề, trong đó có 6 vấn đề cần trả lời chất vấn, tập trung vào vấn đề chú trọng kết nạp Đảng cho đội ngũ giáo viên, quan tâm cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền huy động nguồn xã hội hóa giáo dục, trao đổi kinh nghiệm giữa gia đình và nhà trường về cách giáo dục học sinh, quy định mức hỗ trợ thiệt hại và thời gian thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân sau thiên tai… Với tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị mà người dân phản ánh, trao đổi và trả lời cụ thể, xác đáng ngay tại buổi đối thoại”.
Từ thực tế tổ chức thành công đối thoại theo Quy chế số 05, các địa phương đều nghiên cứu và ban hành kế hoạch triển khai bảo đảm phân công rõ người chịu trách nhiệm đối với từng phần việc cụ thể, cũng như cách thức tổ chức hội nghị đối thoại. Từ các hội nghị đối thoại này, thành phố và các xã, phường chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng các nghị quyết chuyên đề được nhân dân đồng tình, ủng hộ về nội dung.
Đặc biệt, để việc đối thoại không mang tính hình thức, Thành ủy Yên Bái yêu cầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều có tính phản biện cao. Qua đối thoại, cán bộ cấp trên trực tiếp nhìn nhận được uy tín, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp dưới, người đứng đầu tổ chức, địa phương, đơn vị.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo chính quyền trau dồi các kỹ năng, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong điều hành, lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân.
Thành công lớn nhất là cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã nỗ lực từng bước đưa hoạt động đối thoại với dân trở thành nề nếp của cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng đổi mới, đi vào chiều sâu. Theo kế hoạch trong tháng 12 này, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức một cuộc đối thoại nội dung về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, dự kiến có khoảng 200 người tham dự.
Ông Hà Tiến Hùng - Bí thư Chi bộ Khu dân cư Trương Quyền, phường Yên Ninh:
Tôi thấy việc tổ chức đối thoại giữa những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân rất hiệu quả. Cụ thể năm 2018, trên địa bàn khu dân cư chúng tôi được thành phố đầu tư nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới nâng cấp đường Bảo Lương.
Nhận thấy được hưởng lợi từ công trình, sau khi tham dự các cuộc họp, nhiều gia đình đã tự giác tháo dỡ vật kiến trúc, tường rào và dọn dẹp hành lang, giải phóng mặt bằng bảo đảm cho công trình nhanh chóng thi công. Đến nay, công trình hoàn thành, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Bí thư Chi bộ thôn Làng Đình, xã Phúc Lộc:
Khi trực tiếp tham gia cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố và xã, người dân rất đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn xã đang được triển khai xây dựng nông thôn mới nên người dân rất quan tâm.
Được phát biểu trực tiếp mong muốn khi tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, được các đồng chí lãnh đạo giải trình ngay tại buổi đối thoại, người dân càng tin tưởng và yên tâm lao động sản xuất. |
Kim Thúy