Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Huyện ủy, UBND huyện Văn Yên tham gia cùng đoàn.
Tại Văn Yên, đoàn đã tới thăm Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Văn Yên và Trường Tiểu học và THCS xã Đại Phác.
Báo cáo với đoàn công tác, đồng chí Trần Huy Tuấn - Bí thư Huyện ủy Văn Yên cho biết, sau khi tiến hành sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp từ năm 2016 đến nay, Văn Yên hiện có 68 cơ sở giáo dục; giảm được 24 trường, 50 điểm lẻ, 24 hiệu trưởng và 35 hiệu phó so với trước khi thực hiện sắp xếp.
Toàn huyện có 34.000 học sinh, trong đó có 18.000 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm trên 52%. Đội ngũ có 2.188 công chức, viên chức giáo dục, giáo viên. Huyện có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, 11 trường bán trú và 4 trường còn học sinh bán trú với trên 3.700 học sinh đang được hưởng các chế độ học sinh nội trú và bán trú.
Sau khi thực hiện sắp xếp trường lớp, huyện đã tiến hành đưa 2.200 học sinh từ điểm lẻ về điểm trường chính, đến nay 1.000 em đang được sinh hoạt, học tập trong môi trường đảm bảo chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao đổi với học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Văn Yên.
Tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị và tìm hiểu công tác giáo dục tại các trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được tại các trường nói riêng và huyện Văn Yên nói chung.
Bộ trưởng ân cần hỏi thăm, động viên các học sinh cố gắng rèn luyện, vâng lời thầy cô, học tập tiến bộ để trở thành người có ích cho xã hội - đóng góp cho quê hương đất nước; mong rằng học sinh dân tộc thiểu số cố gắng hòa nhập với môi trường học tập; quan tâm sắp xếp thời gian học tập hợp lý đảm bảo việc học không trở thành áp lực nặng nề; giữ gìn sức khỏe, duy trì nề nếp sinh hoạt tại trường tạo ra mối đoàn kết gắn bó.
Bộ trưởng nhắc học sinh vùng cao cần cố gắng rèn luyện bản thân, học tập thật tốt, trau dồi vốn tiếng Anh để có thể tiếp cận những kiến thức mới - hiện đại và có kiến thức về pháp luật - xã hội; các biện pháp phòng tránh xâm hại, bạo hành trẻ em.
Đồng chí đề nghị đội ngũ giáo viên cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục; phải có thái độ ân cần, chu đáo trong nghề nghiệp; quan tâm đến việc học thêm tiếng dân tộc để dễ dàng giao tiếp, truyền dạy cho học sinh.
Các nhà trường phải đảm bảo chỗ ăn, ở, học tập cho học sinh sạch đẹp, ngăn nắp; quan tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bữa ăn học đường và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho học sinh về kiến thức pháp luật - xã hội, tập trung vào giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em...
Bộ trưởng cũng mong rằng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đến giáo dục, chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành để thúc đẩy giáo dục địa phương phát triển đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới giáo dục một cách thực chất nhất.
Hoài Văn