Năm 1988, tôi là sinh viên đi thực tập khai quật khảo cổ học ở huyện Duy Xuyên lúc ấy còn là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Địa phương cũng cử những cán bộ của của ngành văn hóa cùng tham gia ghi chép, giám sát khai quật.
Trong số những cán bộ ấy, có một anh là cán bộ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Những đêm nghỉ cùng nhau ở cơ quan, anh thường kể những câu chuyện về nghề, chuyện về ký ức chiến tranh. Trong những câu chuyện ấy, tôi nhớ mãi câu chuyện anh kể về thời sinh viên của mình.
Ngày đó, anh học ở Viện đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn và thế hệ của các anh khi học về lịch sử Việt Nam, tất cả đều vô cùng ngưỡng mộ về Nguyễn Thái Học và cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Sự ngưỡng mộ này, góp phần thôi thúc mạnh mẽ phong trào đấu tranh của sinh viên miền Nam chống đế quốc Mỹ và tay sai. Rồi anh thầm ước, đến một ngày đất nước thống nhất, anh sẽ bay ngay ra thăm miền Bắc và những nơi anh sẽ đến đầu tiên là thắp hương bên mộ của Nguyễn Thái Học và đến thăm chùa Một Cột.
Sở dĩ, anh muốn đến thăm chùa Một Cột, là vì anh muốn tận mắt chiêm ngưỡng một kiến trúc thật kỳ lạ khi cả ngôi chùa chỉ dựng trên một cây cột. Còn với nhân vật Nguyễn Thái Học thì đó là sự ngưỡng mộ về một cuộc khởi nghĩa đầu tiên vang dội khắp toàn cầu thể hiện ý chí của người Việt Nam đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp.
Ngưỡng mộ về sự ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa đã thúc giục nhân dân cả nước quyết tâm giành độc lập dân tộc. Và càng ngưỡng mộ hơn khi nhiều lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa đang ở tuổi thanh xuân như Nguyễn Thái Học mới bước vào tuổi 28; Phó Đức Chính tuổi 23...
Vậy mà, khi cuộc khởi nghĩa thất bại, bị địch bắt rồi đưa lên đoạn đầu đài, các chiến sỹ đều hiên ngang ngẩng cao đầu hô vang "Việt Nam vạn tuế!"; coi cái chết của mình thật nhẹ nhàng "Chết vì Tổ quốc chết vinh quang" khiến cho kẻ thù cúi đầu nể sợ...
Sau này ra trường, thật may mắn lại được về công tác tại quê hương của cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Từ công tác nghiên cứu lịch sử đến làm nghề viết báo, tôi càng thêm hiểu vì sao cuộc khởi nghĩa lại có sự lan tỏa mạnh mẽ đến vậy! Nó không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ lúc đương thời thúc giục phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân cả nước mà tinh thần yêu nước, tấm gương tiết liệt của các chiến sỹ còn sống mãi với mai sau.
Nhiều đoàn công tác của trung ương và các tỉnh bạn khi đến công tác tại Yên Bái đều có nguyện vọng được đến viếng di tích lịch sử Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Nhiều đoàn lữ hành đến thành phố Yên Bái, trong đó, có cả khách nước ngoài cũng tới khu di tích bằng tinh thần ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc. Công viên Yên Hòa - nơi có Di tích cấp quốc gia Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 ngày ngày rất đông người qua lại và ngước nhìn lên tượng đài với lòng tôn kính.
Con đường lớn ngang qua Công viên mang tên Nguyễn Thái Học; một phường của thành phố Yên Bái mang tên Nguyễn Thái Học; một trường tiểu học cũng mang tên ông; nhiều trường học ở thành phố và vùng lân cận vẫn tổ chức cho học sinh đến thăm viếng và trải nghiệm lịch sử.
Nguyễn Thái Học và cuộc khởi nghĩa Yên Bái vẫn mãi là đề tài lớn trong nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương; là nguồn cảm hứng trong sáng tác và phổ biến văn học - nghệ thuật không chỉ riêng với Yên Bái mà của cả nước.
Cảm động nữa là hình ảnh của nhiều đôi trai gái trước khi đăng ký kết hôn đã đến khu di tích để thắp hương tưởng niệm với tất cả tấm lòng thành kính tri ân và mong muốn được các bậc anh linh cùng hồn thiêng sông núi tiếp lửa cho nghị lực và phù trợ cho tương lai, hạnh phúc của mình...
Di tích cấp quốc gia Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 hiện đang tiếp tục đầu tư tôn tạo xứng tầm lịch sử - điểm đến của tinh thần ngưỡng mộ.
Hoàng Nhâm