P.V: Đề nghị đồng chí cho biết những khó khăn, thuận lợi trong triển khai thực hiện Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở tỉnh Yên Bái?
Đồng chí Vũ Quốc Bảo: Cùng với việc tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời xây dựng và ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động của Tỉnh ủy bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 18 và 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII để vận dụng, cụ thể hóa vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, xác định rõ lộ trình, tiến độ thực hiện và phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Quá trình triển khai thực hiện được tiến hành bài bản, chặt chẽ, đúng quy trình, thẩm quyền theo phân cấp. Các nội dung đều được cụ thể hóa thành các đề án, phương án đảm bảo giải quyết tổng thể các vấn đề về sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ, giải quyết dôi dư và tinh giản biên chế (TGBC).
Nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) hợp đồng không có nhu cầu làm việc sau sắp xếp, Tỉnh ủy chỉ đạo HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 về việc hỗ trợ CBCCVCNLĐ hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng. Vì thế, Nghị quyết đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo CBCCVCNLĐ và nhân dân.
Tuy nhiên, đây thực sự là việc khó, có nhiều nội dung mới, ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức, quyền lợi, tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và NLĐ.
Cụ thể, thực hiện hợp nhất một số cơ quan khối Nhà nước với khối Đảng chưa có sự thay đổi đồng bộ trong mối liên hệ tổng thể về thể chế tổ chức, cán bộ từ cấp trung ương đến cấp huyện, từ xác định mẫu và sử dụng con dấu đến thể thức ban hành văn bản chưa thống nhất; cán bộ tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cấp huyện phải am hiểu cả công tác xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước và xây dựng chính quyền.
Kinh phí hoạt động của hai cơ quan đang thực hiện từ nguồn ngân sách Đảng và ngân sách Nhà nước, trong khi chính sách CBCC cũng khác nhau; cơ chế tài chính giữa các cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện chưa thống nhất; việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố theo quy định tại Thông tư số 09 của Bộ Nội vụ khó có thể đáp ứng tiêu chí thôn, bản từ 200 hộ và một số tổ dân phố từ 300 hộ trở lên do các thôn, bản vùng cao đặc biệt khó khăn có diện tích lớn, địa bàn bị chia cắt.
P.V: Khó khăn lớn nhất ở đây là vấn đề tổ chức và con người. Với chức năng là cơ quan tham mưu của tỉnh, ngành tổ chức có những giải pháp gì để giải quyết những khó khăn này, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Quốc Bảo: Để giải quyết những khó khăn này, ngành tổ chức đã tham mưu với Tỉnh ủy hướng dẫn các huyện, thị, thành ủy làm tốt việc tuyên truyền, quán triệt và thực hiện các đề án Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt. Sắp xếp, kiện toàn nhân sự các cơ quan sau hợp nhất theo quy định.
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau hợp nhất chưa bố trí, sắp xếp được phải có lộ trình giảm dần đến tháng 6/2021 đảm bảo số lượng theo quy định. Các cơ quan sau hợp nhất, sử dụng đội ngũ BCCVCNLĐ hiện có và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về TGBC, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVCNLĐ.
Bên cạnh việc hướng dẫn xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động bình thường sau hợp nhất, tỉnh sẽ chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội theo quy định, đồng bộ, thống nhất với việc hợp nhất. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các Đề án bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc, tiến độ đề ra.
Về chế độ, chính sách cho CBCCVCNLĐ các cơ quan sau hợp nhất, sẽ đảm bảo mức cao nhất theo quy định hiện hành (kể từ ngày 1/1/2019); thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ CBCC theo các tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ.
Nếu CBCCVCNLĐ sau hợp nhất có nguyện vọng thôi việc, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản thì ngoài việc được hưởng các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước theo quy định còn được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh.
P.V: Đồng chí cho biết kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Vũ Quốc Bảo: Thực hiện Nghị quyết số 18 và 19, tỉnh Yên Bái đã giảm, thu gọn được 404 đầu mối, tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị, bằng 25,39% so với năm 2015 và tinh giản 1.196 biên chế, nâng tổng biên chế tinh giản của tỉnh từ khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đến nay lên 3.980 biên chế, bằng 13,85% so với số biên chế được giao năm 2015. Tổng kinh phí tiết kiệm của tỉnh do TGBC là 925 tỷ đồng.
Cùng với việc sắp xếp đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trên nguyên tắc, phù hợp với điều kiện cán bộ của địa phương, đơn vị, sau sắp xếp, các đơn vị đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế làm việc phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới để triển khai thực hiện, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung.
Việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố được thực hiện thí điểm tại huyện Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ trước khi Nghị quyết ban hành, sau sắp xếp đã giảm 72 đầu mối. UBND tỉnh đã chỉ đạo và ban hành hướng dẫn việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố theo Thông tư số 09 của Bộ Nội vụ để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã hoàn thành xây dựng đề án và HĐND tỉnh đã nghị quyết thống nhất thực hiện từ 1/1/2019...
PV: Song song với việc cải cách, tinh gọn bộ máy, tỉnh có những giải pháp gì để nâng cao năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo và trình độ chuyên môn của CBCCVCNLĐ?
Đồng chí Vũ Quốc Bảo: Để nâng cao năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo và trình độ chuyên môn của CBCCVCNLĐ, Ban Tổ chức đã tham mưu với Tỉnh ủy tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; gắn thực hiện Chỉ thị 05 với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện nghiêm túc việc học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn và cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ: thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế.
Đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể bằng sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; đổi mới tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Tạo môi trường, điều kiện xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ đạo thực hiện quy định của Bộ Nội vụ về danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh; thực hiện Đề án số 06 của Tỉnh ủy về quy định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai thực hiện; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.
Thực hiện phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, CBCCVCNLĐ theo đúng quy định, trong đó phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm sự quản lý thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CBCCVCNLĐ trong thực thi công vụ; kịp thời thay thế những cán bộ có phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực yếu, kém, không đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng CBCCVCNLĐ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Hương (thực hiện)