Kỷ niệm 89 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái (10/2/1930 - 10/2/2019)

Khúc tráng ca bất tử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/1/2019 | 8:15:13 AM

YênBái - Không chỉ được biết đến bởi những địa danh đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Yên Bái - miền quê cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc còn được biết đến là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái, gắn liền với tên tuổi một con người đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc với câu nói nổi tiếng "Không thành công cũng thành nhân”, đó là chí sỹ yêu nước Nguyễn Thái Học.

Tượng đài Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái tại Khu di tích lịch sử mộ Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Tượng đài Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái tại Khu di tích lịch sử mộ Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.

Nguyễn Thái Học sinh ngày 1/12/1902 tại làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người thể hiện lòng yêu nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế của nhà trường thực dân với nhiều hoạt động như gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne kêu gọi tiến hành cải cách xã hội ở Việt Nam; thành lập Nam Đồng thư xã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp… 

Đêm ngày 24 rạng ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học và các đồng sự tổ chức thành lập Việt Nam Quốc dân đảng nhằm tập hợp lực lượng nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt tiến tới giải phóng dân tộc, "khôi phục giang sơn". 



Lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học.

Sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, Việt Nam Quốc dân đảng đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển cơ sở trong các tầng lớp dân chúng trên cả nước, nhất là ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. 

Tổ chức của Việt Nam Quốc dân đảng phát triển tương đối nhanh trong năm 1928 và đầu năm 1929 thu hút hàng nghìn thanh niên trí thức, công chức và binh lính Việt Nam yêu nước trong quân đội Pháp tham gia. Tuy nhiên, sau vụ trùm mộ phu đồn điền Bazin ngày 9/2/1929 bị ám sát, Việt Nam Quốc dân đảng bị nhà cầm quyền lùng sục, bắt bớ. 

Trước nguy cơ đảng bị tan vỡ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã quyết định tiến hành cuộc "tổng khởi nghĩa vũ trang". Nếu thất bại cũng là tấm gương cho đời sau tiếp bước, "Không thành công cũng thành nhân".

Đêm ngày 9 rạng ngày 10/2/1930, cuộc Khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ. Lực lượng nghĩa quân từ Phú Thọ đi lên kết hợp với lực lượng tại Yên Bái đã hạ sát được hầu hết bọn sỹ quan, hạ sỹ quan chỉ huy Pháp ở các nhà riêng, phối hợp với nghĩa quân hai cơ lính khố đỏ đồn 5 và 6 trại dưới nổi dậy chiếm đồn giặc. 

Sau khi chiếm được trại dưới, nghĩa quân tập trung tại sân trại nghe đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng đọc bài hịch khởi nghĩa và cùng nhau hô vang khẩu hiệu: "Đuổi giặc Pháp về nước Pháp/ Đem nước Nam trả người Nam/ Cho trăm họ khỏi lầm than/ Được thêm phần hạnh phúc" và chia nhau đi chiếm nhà ga, bến xe và các cơ quan chính quyền của Pháp, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng và ủng hộ nghĩa quân khởi nghĩa. Cờ của Việt Nam Quốc dân đảng tung bay trên trại lính và các công sở. 

Tuy nhiên, do việc tổ chức chưa chặt chẽ, không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh cơ số 7 và số 8 ở trên Đồn Cao, quân Pháp củng cố lực lượng phản công lại. Nghĩa quân bị đánh bật khỏi các vị trí đã chiếm, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu.

Phối hợp với Khởi nghĩa Yên Bái, đêm 10/2/1930, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng Nguyễn Khắc Nhu đã lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa đánh đồn Hưng Hóa, chiếm phủ Lâm Thao. Theo kế hoạch, khi giành thắng lợi ở Yên Bái và Hưng Hóa, hai nghĩa quân này sẽ hội quân tại Hưng Hóa vượt bến Trung Hà tiến đánh đồn Thông ở Sơn Tây và hợp với nghĩa quân của Phó Đức Chính chiến đấu tại đây. 

Tuy nhiên, nghĩa quân đánh đồn Hưng Hóa do không có nội ứng và vũ khí kém nên không đánh chiếm được đồn, nên nghĩa quân phải rút về Lâm Thao. 

Tại đây, quân khởi nghĩa đã đánh chiếm được phủ Lâm Thao. Tuy nhiên, được sự chi viện của quân Pháp từ Phú Thọ, nên địch phản công dữ dội và do thiếu vũ khí lại thiếu người chỉ huy sau khi Nguyễn Khắc Nhu bị thương và bị bắt khiến nghĩa quân tan vỡ. Cùng tiếng súng khởi nghĩa Yên Bái, nhiều đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức cài bom nổ khắp thành phố Hà Nội nhằm uy hiếp tinh thần, gây hoang mang cho quân Pháp.

Sau khởi nghĩa Yên Bái 5 ngày, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, Phụ Dực, chủ trương tiến tới chiếm toàn bộ Hải Phòng. Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện lỵ Vĩnh Bảo, giết chết tên tri huyện Hoàng Gia Mô - một tên quan lại tham tàn độc ác. Với sự phản công quyết liệt của quân Pháp với vũ khí hiện đại, quân khởi nghĩa bị tiêu diệt. 

Được sự che chở của nhân dân, Nguyễn Thái Học đã trốn thoát cùng một số đảng viên tiêu biểu còn lại của Việt Nam Quốc dân đảng dự định cải tổ lại và thay đổi phương hướng chiến lược và hoạt động của Đảng. Tuy nhiên, chủ trương này vừa khởi động thì ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). 

Ngày 23/3/1930, ông bị kết án tử hình. Ngày 17/6/1930, Pháp đưa Nguyễn Thái Học cùng Phó Đức Chính và 11 chiến sỹ khác của Việt Nam Quốc dân đảng lên máy chém tại Yên Bái. Bước lên đoạn đầu đài, tất cả 13 người đều hiên ngang, bình thản, chấp nhận sự hy sinh, thể hiện tinh thần bất khuất của những nghĩa sỹ yêu nước. 

Là người cuối cùng bước lên máy chém, Nguyễn Thái Học vẫn mỉm cười nhìn công chúng và binh lính, thản nhiên đọc thơ bằng tiếng Pháp: "Chết vì Tổ quốc chết vinh quang. Lòng ta sung sướng, chí ta nhẹ nhàng...”. Trước khi chết ông vẫn hô vang: "Việt Nam vạn tuế!".

Dù thất bại, cuộc Khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng thực sự là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Trong đó, với tư cách là người sáng lập và lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng, tấm gương hy sinh dũng cảm của Nguyễn Thái Học đã trở thành một nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ các thế hệ thanh niên trí thức yêu nước sau này trong cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt lâu dài vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa đã đánh thức lòng yêu nước của toàn dân tộc Việt Nam, làm rung chuyển nước Pháp. Nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon đã viết: "Yên Bái/ Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng/ Không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ...".

Ghi công những anh hùng hy sinh vì Tổ quốc, ngày 24/2/1976, Nguyễn Thái Học được công nhận là liệt sỹ. Tên của ông và những cộng sự như: Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, cô Giang… được đặt cho tên đường, tên phường, tên trường tại nhiều địa phương. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ đã lấy đề tài cuộc khởi nghĩa Yên Bái để viết thành tiểu thuyết, thơ, nhạc, kịch bản sân khấu, để lại nhiều tác phẩm giá trị, thấm đẫm tình yêu nước. 

Cùng đặt tên người chí sỹ nêu nước cho tên đường, tên phường, tên trường, tại nơi Nguyễn Thái Học và chiến sỹ Việt Nam Quốc dân đảng về với đất mẹ, tỉnh Yên Bái đã xây dựng Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học cùng các chiến sỹ Việt Nam Quốc dân đảng tại Công viên Yên Hòa, thuộc phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái. Ngày 5/3/1990, công trình này được Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày mất của lãnh tụ cuộc Khởi nghĩa Yên Bái và các cộng sự, ngày 17/6/2000, tỉnh Yên Bái và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã khởi công xây dựng tượng đài, lăng mộ cùng nhiều hạng mục khác của Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học. Các công trình thường xuyên được trùng tu, tôn tạo với đúng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử. 



Đoàn đại biểu văn nghệ sỹ Yên Bái dâng hương tại khu lăng mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông. (Ảnh: Thanh Miền)

Xứng đáng với những tiền nhân hy sinh vì đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập, Yên Bái là một trong những địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất cả nước. 

Trong kháng chiến cứu quốc và bảo vệ đất nước, Yên Bái đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã lãnh đạo nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất giành nhiều kết quả toàn diện. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) năm 2018 đạt 6,31% (kế hoạch là 6,3%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 33,6 triệu đồng... 

Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, đã có 48 xã, chiếm 30% tổng số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao ngày thêm khởi sắc. 

Kỷ niệm 89 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm nay, đúng dịp cả nước đang tưng bừng kỷ niệm Đảng ta tròn 89 mùa xuân, chào xuân mới Kỷ Hợi 2019. Tự hào về truyền thống yêu nước của cha ông, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Yên Bái hôm nay bằng những hành động thiết thực nguyện tiếp tục ra sức thi đua để xây dựng quê hương Yên Bái phát triển giàu đẹp, bền vững, mãi xứng đáng với sự hy sinh của những thế hệ đi trước.

Đình Tứ

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân BVANTQ năm 2018.

Ngày 24/1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) năm 2018, triển khai nhiệm vụ xây dựng phong trào năm 2019.

Nhân dịp chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi 2019, chiều 24/1, đồng chí Nông Văn Lịnh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã đến thăm hỏi, chúc tết và tặng quà các đơn vị trực tết và các gia đình chính sách tại xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

Đồng chí Hà Đức Hoan - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao giấy khen của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tổ chức cán bộ.

Với phương châm "Chủ động, bài bản, quyết liệt và đồng bộ”, Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn đồng chí Vũ Quốc Bảo - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy về nội dung này. 

Chiều 24/1, Báo Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, xuất bản năm 2018; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 và trao giải 2 cuộc thi trên Báo Yên Bái. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục