Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, mưa lũ cùng những biến động của tình hình sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Trấn Yên đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Để có được kết quả trên, huyện Trấn Yên đã tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng.
Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được quán triệt, triển khai, học tập đầy đủ, sâu rộng tới toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý, điều hành của chính quyền được phát huy tốt, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Nhờ đó, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của huyện đều đạt và vượt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ nhưng với sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời nên tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 29.000 tấn; diện tích trồng cây lương thực đạt trên 5.922ha; tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 1.100 tỷ đồng.
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã được huyện tập trung triển khai thực hiện bằng những giải pháp đồng bộ, đó là: hỗ trợ phát triển sản xuất; chuyển dịch cơ cấu, thâm canh tăng năng suất các loại vật nuôi, cây trồng; thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, trong năm 2018, huyện Trấn Yên chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với tổng kinh phí đã giải ngân 2,630 tỷ đồng; cơ bản hoàn thành Dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với kinh phí thực hiện 2,944 tỷ đồng; tiếp tục triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng xã nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Bí thư Huyện Ủy Trấn Yên cho biết: "Đối với xây dựng nông thôn mới, huyện chú trọng phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng và người dân để thực hiện các nội dung, phần việc ngay trong từng thôn, xóm. Nhờ sự đồng lòng, chung sức của nhân dân nên trong năm qua đã có 4 xã: Cường Thịnh, Minh Quán, Y Can, Việt Cường được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới của toàn huyện lên 15 xã. Đây là bước đệm quan trọng để Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020”.
Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên tập trung phát triển, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi thế mạnh thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm, huyện đã trồng mới 129ha dâu, đạt 215% kế hoạch, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 400ha; trồng mới 526ha măng tre Bát Độ, nâng tổng diện tích măng toàn huyện lên 3.000 ha; trồng mới 100ha cây ăn quả có múi, 1.000ha quế và 2.500ha rừng...; đồng thời tập trung các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và tăng đàn.
Nhờ đó, sản lượng các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện đều có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2017, tiêu biểu như: sản lượng kén tằm đạt 547 tấn, bằng 122% kế hoạch, tăng 117 tấn so với năm 2017; sản lượng măng bát độ vỏ tươi đạt 45.000 tấn, bằng 123,3% kế hoạch, tăng 8.800 tấn so với năm 2017; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 8.000 tấn, bằng 103,8% kế hoạch...
Cùng với sản xuất nông nghiệp thì lĩnh vực công nghiệp của huyện Trấn Yên cũng đạt được những kết quả khả quan; hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngày càng đa dạng và phát triển theo hướng sản xuất, kinh doanh tổng hợp gắn với dịch vụ.
Trong năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện đạt trên 760 tỷ đồng, bằng 138,3% kế hoạch huyện, tăng 67% so với năm 2017; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 650 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 32,3 triệu USD. Ngoài ra, công tác quản lý đầu tư và xây dựng có nhiều tiến bộ; tổng thu ngân sách huyện năm qua đạt 117 tỷ đồng, bằng 135 % dự toán tỉnh giao, tăng hơn 21 tỷ đồng so với năm 2017.
Trên tinh thần xác định, phát triển kinh tế phải đi liền với nâng cao chất lượng các mặt văn hóa, xã hội. Năm qua, đời sống văn hóa - xã hội của nhân dân được huyện đặc biệt quan tâm và không ngừng được nâng cao.
Hiện nay toàn huyện có 47 đơn vị trường học, trong đó có 35 trường đạt trường chuẩn quốc gia. Trong năm qua, huyện đào tạo nghề cho 2.217 lao động, tạo việc làm cho 2.055 lao động; khám bệnh cho hơn 181.000 lượt người, điều trị nội trú trên 9.000 lượt người...
Đặc biệt, năm 2018, huyện giảm được 4,88% số hộ nghèo so với năm 2017, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 9,3%.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2019, Đảng bộ huyện Trấn Yên phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung nâng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.150 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 27.300 tấn; xây dựng các xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới và có ít nhất 4 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 120 tỷ đồng…
Một mùa xuân nữa đã về trên quê hương Trấn Yên. Trên khắp bản làng, thôn xóm từ trung tâm huyện lỵ đến các xã vùng cao Kiên Thành, Hồng Ca, bà con nhân dân đang tất bật sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm... để đón chào năm mới. Tin tưởng rằng, một mùa xuân mới với khí khế mới sẽ đưa huyện Trấn Yên hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2019 và chuẩn bị các điều kiện để Trấn Yên đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Hùng Cường