Đây là hình thức biểu hiện trực tiếp của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước và là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Nhận thức rõ ý nghĩa của công tác này, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác TCD trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân
Có mặt tại Trụ sở TCD tỉnh lúc 7 giờ 30 phút sáng, các cán bộ, lãnh đạo làm công tác TCD đã có mặt đầy đủ, mặc trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức, viên chức đúng quy định. Khi có người đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh, các cán bộ TCD đều có thái độ ôn hòa, lời nói nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Theo quy định, vào ngày 15 hàng tháng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp TCD định kỳ tại Trụ sở TCD tỉnh để kịp thời lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân và chỉ đạo giải quyết các KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh bận, vắng mặt thì đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc đồng chí Trưởng ban TCD tỉnh được phân công thực hiện việc TCD, ghi chép, tiếp thu đầy đủ các ý kiến kiến nghị, phản ánh của nhân dân báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Qua khảo sát và tìm hiểu, đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đều bố trí được cán bộ làm công tác TCD theo quy định; bố trí địa điểm TCD; có niêm yết lịch TCD, nội quy TCD, thủ tục hành chính về công tác giải quyết KNTC và mở sổ TCD của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; mở sổ theo dõi, tiếp nhận nội dung phản ánh, kiến nghị của công dân theo quy định, góp phần tạo thuận lợi cho công dân đến trình bày tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh. Đồng thời, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền được kịp thời, hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2014 đến nay, số lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh tại trụ sở TCD trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng do tỉnh đang triển khai các công trình trọng điểm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư. Quá trình thu hồi đất để thực hiện các dự án không tránh khỏi những vấn đề phức tạp, liên quan đến quyền lợi của những tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất.
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn những bất cập, yếu kém, dẫn đến tình trạng xây dựng công trình trái phép hoặc sử dụng đất sai mục đích còn xảy ra; việc thực hiện các quy định mới về bảo hiểm xã hội, chế độ chính sách đối với người lao động, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và biên chế còn những thiếu sót, hệ lụy phát sinh.
Do đó, số lượt TCD định kỳ và đột xuất của các cấp, các ngành đã tăng lên đáng kể. Năm 2018, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp trên 2.500 lượt công dân đến trụ sở cơ quan Nhà nước thực hiện quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh.
Trong đó, tiếp tại Trụ sở UBND tỉnh 319 lượt công dân với 405 người, so với cùng kỳ năm 2017, số lượt TCD tăng 720 lượt (bằng 40%). Tổng số vụ, việc tiếp nhận qua TCD là 2.410 vụ, việc, trong đó: khiếu nại 430 vụ, việc; tố cáo 22 vụ việc; đề nghị, kiến nghị, phản ánh 1.958 vụ việc. Số vụ, việc đã xem xét, giải quyết là 2.090/ 2.410 vụ, việc (đạt 87%), trong đó có quyết định giải quyết, văn bản trả lời công dân 2.070 vụ, việc; có bản án của Toà án 20 vụ, việc.
Cũng trong năm 2018, toàn tỉnh có 23 đoàn đông người đến trụ sở các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, điển hình là đoàn nhân dân thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đến phản ánh, kiến nghị việc cấp phép cho Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam được thăm dò tại mỏ Nà Kèn, xã Lâm Thượng và xã Khai Trung (huyện Lục Yên). Ngay sau buổi tiếp nhân dân thôn Nà Kèn, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng các ngành trong tỉnh đã tổ chức đối thoại với nhân dân thôn Nà Kèn tại xã Lâm Thượng.
Tại buổi đối thoại, đại diện các ngành đã trả lời những thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến nội dung phản ánh. Đến nay, mọi hoạt động thăm dò khoáng sản tại khu vực xã Lâm Thượng tạm dừng, về cơ bản tình hình an ninh, trật tự tại khu vực ổn định.
Chị Hoàng Thị Thủy - cán bộ tham gia TCD tại Trụ sở TCD tỉnh nhận định: "Cán bộ TCD cũng phải biết làm "dân vận” bởi thông qua TCD giúp cơ quan Nhà nước nắm được tâm tư, nguyện vọng, thông tin phản hồi, kiến nghị, góp ý của nhân dân từ thực tiễn, từ đó kịp thời chấn chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ các nội dung không phù hợp, đề ra những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Trong các buổi TCD, chúng tôi đều tranh thủ lồng ghép tuyên tuyền, phổ biến, giải thích cho công dân hiểu thêm các quy định của pháp luật về KNTC, các văn bản pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần hạn chế phát sinh thành các vụ, việc phức tạp, kéo dài. Thông qua TCD, việc giải quyết KNTC của công dân liên quan đến quyết định hành chính được tiến hành nhanh chóng, rõ ràng hơn khi có sự tiếp xúc trực tiếp, tìm hiểu thông tin hai chiều giữa người dân và cán bộ tiếp dân. Từ đó, hạn chế việc KNTC vượt cấp, kéo dài cũng như những bất cập khác trong công tác giải quyết KNTC”.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân
Trước yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi các cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD, giải quyết KNTC”, Quy định số 11 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc TCD, đối thoại trực tiếp với nhân dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật TCD năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Tố cáo năm 2018, Quyết định số 46 của UBND tỉnh ban hành Quy chế TCD tại trụ sở TCD tỉnh; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác TCD, giải quyết KNTC; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm việc TCD định kỳ, đột xuất, gắn việc TCD với giải quyết KNTC, tăng cường công tác đối thoại, hòa giải ngay từ khi phát sinh vụ việc; thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Quá trình ban hành, triển khai các đề án, dự án, chính sách, các cấp, các ngành cần đánh giá tác động, dự liệu những vấn đề có thể phát sinh KNTC để chủ động điều chỉnh, xử lý theo quy định; giải quyết nhanh chóng, công khai, minh bạch hồ sơ thủ tục hành chính của công dân, nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, các cấp, các ngành cũng cần thực hiện nghiêm các thông báo kết luận TCD của Chủ tịch UBND tỉnh; các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc văn bản chuyển đơn của Ban TCD tỉnh; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện đúng thời hạn quy định; phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết KNTC và thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết KNTC cho nhân dân. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần tổ chức quán triệt công tác TCD sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức.
Trong quá trình TCD, đối thoại, giải quyết KNTC, cán bộ tham mưu giải quyết cần tìm hiểu sâu, nắm chắc vụ việc và có hướng đề xuất cụ thể cho thủ trưởng theo đúng quy định của pháp luật. Các ngành, đoàn thể cần tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KNTC, đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, kết hợp với vận động, thuyết phục người KNTC thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật về KNTC.
Hồng Oanh