Đến thăm cánh đồng Tà Ghênh, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu lúa xanh mơn mởn, ít ai biết rằng, trước đây cánh đồng này chỉ cấy vụ lúa mùa, còn vụ xuân thì bỏ hoang. Do đó, người dân luôn bị đói giáp hạt, phải nhờ hỗ trợ cứu đói của Nhà nước. Trong khi đó, xã Hát Lừu giáp ranh lại cấy được 2 vụ. Vì thế, nếu làm được vụ 2 ở Tà Ghênh, sẽ góp phần giải quyết tình trạng đói giáp hạt cho người dân.
Từ mối trăn trở đó, Huyện ủy Trạm Tấu có chủ trương chỉ đạo nhân dân xã Xà Hồ sản xuất thêm vụ lúa xuân. Là Bí thư Đảng ủy xã lúc bấy giờ, ông Vàng A Súa suy nghĩ, muốn dân thực hiện thì mình phải làm trước cho dân noi theo. Vậy là, ông vận động vợ con gieo cấy thử nghiệm vụ xuân đầu tiên và đã mang lại kết quả khả quan.
Thấy ông Súa làm được, vụ tiếp theo đã có 8 hộ cùng làm. Sau đó, ông chỉ đạo các đoàn thể, hội, cán bộ, đảng viên cùng tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất 2 vụ lúa/năm theo chủ trương của Huyện ủy. Từ đó, vụ xuân trở thành vụ chính ở Xà Hồ. Mặc dù đã về hưu, nhưng ông Súa vẫn luôn đi đầu trong phong trào thâm canh, tăng vụ.
Ông Vàng A Súa tâm sự: "Tôi rất mừng khi mình quyết tâm cấy thử và thành công thì vụ xuân đã trở thành vụ chính của xã. Hiện, bà con sản xuất một vụ để ăn, một vụ bán lấy tiền chi tiêu sinh hoạt gia đình”. Xà Hồ có 796 ha đất sản xuất; trong đó, có 312 ha được đưa vào sản xuất 2 vụ/năm. Năm 2018, sản lượng lương thực đạt 2.610 tấn, riêng 2 vụ lúa đạt trên 1.381 tấn thóc.
Từ sản xuất vụ xuân thành công ở Tà Ghênh, diện tích này không ngừng mở rộng và cuộc sống nhân dân ngày càng nâng lên. Chị Chớ Thị Dúa, thôn Sáng Pao bày tỏ: "Nhờ cấy 2 vụ, gia đình tôi có đủ gạo ăn, không cần sự cứu trợ của Nhà nước, con cái có điều kiện để đi học tốt hơn”.
Khi thực hiện thành công sản xuất 2 vụ lúa tại Tà Ghênh, Huyện ủy Trạm Tấu tiếp tục chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân cùng thực hiện. Để hộ nghèo có đất sản xuất, xã Trạm Tấu tuyên truyền, vận động 86 hộ có nhiều đất san sẻ đất cho 63 hộ thiếu đất với diện tích trên 40 ha. Từ đó, xã không còn hộ nào thiếu đất sản xuất. Khi có đất, bà con tích cực gieo cấy 2 vụ nên không còn hộ nào bị đói giáp hạt.
Năm 2018, sản lượng lương thực có hạt đạt 2.962 tấn. Đời sống nhân dân ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 57%. Với kết quả đạt được, xã Trạm Tấu vinh dự nhận thư khen của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Là huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, Trạm Tấu có trên 92% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, người Mông chiếm trên 77%. Để cuộc sống định canh, định cư, huyện thành lập các đoàn công tác dân vận về các xã tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với đồng bào. Đồng thời, hướng dẫn bà con cách làm kinh tế phù hợp, nâng cao nhận thức về sản xuất…
Hiện nay, trong huyện không chỉ có cánh đồng Tà Ghênh ở Xà Hồ; cánh đồng Nậm Lùng ở xã Pá Lau, cánh đồng Nậm Tộc ở xã Túc Đán, mà còn nhiều cánh đồng khác được sản xuất 2 vụ bằng những giống lúa năng suất, chất lượng cao.
Năm 2018, sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 22.795 tấn, tỷ lệ hộ nghèo giảm được 7,2%. Năm 2019, tổng diện tích cây lương thực có hạt của huyện đạt 6.915 ha, tăng 84 ha so với năm trước và sản lượng lương thực có hạt 6 tháng đầu năm đạt gần 14.109 tấn, tăng 441 tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ mặt nông thôn của huyện đang đổi thay từng ngày. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm và xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phong tục, tập quán không còn phù hợp đã được loại bỏ như việc người chết không để quá 48 tiếng trong nhà; không còn thách cưới cao; không kết hôn cận huyết thống, nạn tảo hôn được đẩy lùi; người dân sống định canh, định cư…
Ông Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu trao đổi: "Thực hiện Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về san sẻ đất sản xuất ở vùng cao, huyện đã vận động hộ có nhiều đất san sẻ cho hộ khó khăn và đến giờ người dân đã có đủ đất để sản xuất. Sau khi thực hiện nhiều cuộc vận động, bà con đã nhận thức được việc sản xuất vụ xuân mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, cứ đến vụ là người dân các xã, thị trấn đều tự giác sản xuất cho kịp thời vụ”.
Với sự quan tâm của huyện, nhân dân không chỉ đủ ăn mà còn làm được nhà cửa khang trang, vững chãi, mái lợp fi - brô - xi măng, tôn xốp... Ngoài ra, còn có điều kiện mua xe máy, ô tô làm phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, có điều kiện cho con cháu đến trường học tập. Những kết quả đạt được, đã tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội của huyện vùng cao Trạm Tấu ngày càng đi lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đó là kết quả sinh động từ phong trào thi đua Dân vận khéo của Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu thực hiện lời dạy của Bác: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Chí Sinh