Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được được đặt lên bàn nghị sự tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau.
Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra đang phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, để Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài nghị trường, đang tiếp tục có những tranh luận, băn khoăn trước các sửa đổi trong dự án Luật, nhất là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm. Bởi tất cả đều hướng đến đòi hỏi về một bộ luật gốc liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội khi thông qua phải đảm bảo dung hòa được yêu cầu của thị trường, đòi hỏi của thực tiễn và đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.
Chỉnh lý nhiều nội dung lớn
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; Tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Thời giờ làm việc bình thường; Giải quyết tranh chấp lao động; Đình công.
Đặc biệt, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo đã có một số nội dung mới, chủ yếu đối với người lao động và người sử dụng lao động như: lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người lao động không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động; bổ sung quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ trong một năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động; điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Dự thảo cũng lần đầu tiên luật hóa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động khác; mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, trong những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, hai vấn đề: tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung tăng giờ làm thêm tối đa được quan tâm và gây tranh luận nhiều nhất.
Hài hòa lợi ích
Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng 100 giờ so với quy định hiện hành.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa để bảo đảm sức khoẻ cho người lao động và cho rằng, điều này đi ngược lại xu hướng chung của thế giới.
Để tăng năng suất lao động, doanh nghiệp phải đổi mới, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến đưa ra, nên giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.
Trước những đề xuất kiến không nới rộng khung giờ làm thêm, nhiều doanh nghiệp lại cho rằng, đây là "bước lùi trong chính sách” và mong muốn, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) khi được thông qua tại Quốc hội lần này, phải cân nhắc, đảm bảo tổng hòa lợi ích các bên là quốc gia, doanh nghiệp và người lao động.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, đứng ở góc độ lợi ích cho ba vị trí là doanh nghiệp, người lao động và quốc gia, mức giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần như hướng sửa đổi đưa ra nên được cân nhắc.
Bởi người lao động chỉ được nghỉ thêm một ít thời gian, còn với doanh nghiệp, việc giảm 4 giờ làm đồng nghĩa phải tuyển thêm 10% lao động.
"Giảm giờ làm, gánh nặng cho doanh nghiệp tăng do phải tăng thêm người lao động để bù vào sự thiếu hụt. Doanh số của doanh nghiệp vì thế cũng sẽ giảm khoảng 9%, kéo theo là kim ngạch xuất khẩu giảm. Nguy hiểm nhất là việc thu hút vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực có lợi thế xuất khẩu là dệt may, da giày sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc, từ đó tác động đến lợi ích quốc gia. Lợi ích của người lao động là chính đáng, cần xem xét. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình và lộ trình đó sẽ giúp cho tất cả các bên tận dụng được tối đa các cơ hội,” bà Phan Thị Thanh Xuân phân tích.
Linh hoạt chính sách
Trong lúc vấn đề mở rộng khung tăng giờ làm thêm tối đa đang có nhiều tranh luận, dự thảo Luật đưa ra theo hướng sửa đổi tăng tuổi nghỉ hưu cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.
Theo dự thảo, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ.
Đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên 1 triệu lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng tuổi nghỉ hưu cho thấy, có 49,3% lao động được khảo sát đồng ý việc tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm đối tượng.
50,7% còn lại không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu vì cho rằng người lao động cần được quyền nghỉ hưu sớm hơn.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang, con số khảo sát cho thấy nên nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu linh hoạt.
Những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, người lao động không chỉ nghỉ hưu sớm 5 năm mà còn là 10 năm so với quy định.
Việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng linh hoạt là cần thiết và phù hợp, khi tiếp cận ở góc độ quyền và trách nhiệm của người lao động cũng như các điều kiện, tính chất lao động theo các nhóm lao động khác nhau.
Ngoài ra, cần phân định rõ việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với khu vực công chức, viên chức và khu vực sản xuất kinh doanh.
Trước những ý kiến nhiều chiều về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) nói chung cũng như đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, giải quyết tốt nhất những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, vừa thúc đẩy thị trường lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xa hơn là thúc đẩy nền kinh tế phát triển là việc làm cần thiết.
Vì vậy, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Phải nhìn xa trông rộng, một quyết định có tính chính trị, vì lợi ích lâu dài của đất nước. Đồng thời, một số vấn đề khác đều tìm được sự đồng thuận và có phương án giải quyết.
"Băn khoăn lớn nhất hiện nay chính là vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, có lẽ lực lượng băn khoăn nhiều hơn cả là người lao động trực tiếp và người lao động nặng nhọc, độc hại, rồi lao động suy giảm sức khỏe. Cần phổ biến cho người lao động hiểu, đó là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung của những người lao động bình thường, trong điều kiện bình thường. Người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại vẫn nghỉ hưu trước 5 năm. Người lao động làm trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, cộng thêm suy giảm nữa, có thể nghỉ hưu trước 10 năm, 15 năm.”
Đối với vấn đề giờ làm thêm, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc làm thêm giờ là cần thiết. Kinh nghiệm cho thấy, nước càng nghèo, thời gian làm thêm càng nhiều.
Do đó, trong phương án trình, Bộ sẽ cân nhắc tới việc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển, đồng thời phải chăm lo cho người lao động.
"Một số ngành nghề áp lực về thời gian làm thêm như dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp…, và một số điều kiện cụ thể như hỏa hoạn, thiên tai... cần có điều chỉnh. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ linh hoạt điều này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
(Theo Vietnam+)