Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị khóa IX về "Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp (CQTP) hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Cùng với việc củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường nhân lực, hoàn thiện cơ sở vật chất, các CQTP của tỉnh đã phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức, nhất là thủ trưởng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần thúc đẩy quá trình CCTP ở địa phương.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, triển khai Nghị quyết 49 tới toàn thể đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, đồng thời ban hành Kế hoạch số 08 của Tỉnh ủy để triển khai thực hiện, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng phổ biến, quán triệt tới cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ chủ chốt cấp huyện cùng các CQTP cấp tỉnh và cấp huyện xác định rõ nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thị, thành ủy và các CQTP tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Qua đó, giúp cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ các CQTP nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ công tác CCTP trong giai đoạn mới gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.
Các CQTP của tỉnh đã quán triệt thực hiện nghiêm Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra theo tinh thần chiến lược CCTP tại Kết luận số 79 của Bộ Chính trị.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 92 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch số 117 để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị phù hợp với tình hình mới.
Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác CCTP theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, tháng 5/2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh gồm 12 thành viên và phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Từ năm 2006 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên kiện toàn và bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh và từ năm 2011 đến nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Nhờ vậy, các nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã được tỉnh quan tâm đưa vào nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động, báo cáo tổng kết năm của Tỉnh ủy.
Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy còn tổ chức giao ban từng quý với các cơ quan khối nội chính để đánh giá kết quả hoạt động của các CQTP mà trọng tâm là các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 49, nhất là từ khi tái thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Đến nay, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng Đảng trong các CQTP đã được quan tâm thường xuyên. Hoạt động của các CQTP và bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, đội ngũ cán bộ được bổ sung, tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của cán bộ các CQTP, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác điều tra, khám phá án đạt tỷ lệ khá cao, hạn chế thấp nhất sai sót trong việc bắt tạm giữ, tạm giam; không còn trường hợp bắt chưa đủ chứng cứ phải trả tự do hoặc xử lý hành chính, đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội giảm dần theo từng năm...
Từ năm 2005 đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái đã tổ chức trên 14.000 phiên tòa xét xử theo tinh thần CCTP đổi mới thủ tục tố tụng trong xét xử dân sự, hình sự, hành chính đúng quy định của pháp luật, đảm bảo việc giải quyết, xét xử của Tòa án công bằng, dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; trong đó có 113 vụ án có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra, đạt tỷ lệ 0,8%.
Việc tranh tụng tại phiên tòa được đảm bảo theo quy định của pháp luật tố tụng; chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được nâng lên, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, khách quan, công tâm, đúng pháp luật. Hầu hết các kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố đều nắm chắc chứng cứ của vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi, phát biểu luận tội, đối đáp tại phiên tòa chặt chẽ.
Luật sư và những người tham gia tố tụng khác bước đầu đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tranh tụng, chủ động đưa ra tài liệu, chứng cứ để làm sáng tỏ nội dung vụ án; một số luật sư đã đưa ra được những tài liệu, chứng cứ có tính thuyết phục cao để bảo vệ thân chủ.
Đến nay, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ của các CQTP được trang bị tốt hơn. Một số ngành như: công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án… có trụ sở được xây dựng khang trang; kho vật chứng thi hành án một số huyện, thành phố được xây dựng mới; một số trang thiết bị đã xuống cấp được quan tâm thay thế kịp thời.
Thực tế cho thấy, sau 15 năm triển khai thực hiện Chiến lược CCTP theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, công tác CCTP trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tích cực.
Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình chủ trương tăng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện; mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính.
Hoạt động của các CQTP tỉnh đã được cải thiện đáng kể; hệ thống pháp luật về tư pháp được hoàn thiện hơn; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt giam giữ, cải tạo từng bước được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng hơn.
Các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, các chế định hợp đồng, bồi thường, bồi hoàn ngày càng được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần hội nhập kinh tế.
Đặc biệt, nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mối quan hệ hợp tác giữa các CCTP tỉnh ngày càng chặt chẽ; trách nhiệm trong thực thi công việc của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp được nâng cao; đội ngũ cán bộ tư pháp được củng cố, kiện toàn, từng bước đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ CCTP trong thời kỳ mới.
Thanh Hương