Ngày 25/10, Quốc hội cho ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vừa bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của Trung ương, vừa tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, chủ động quyết định thành lập tổ chức trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.
Do đó, việc sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết, không chỉ trao thẩm quyền cho Chính phủ (như Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành) mà còn tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.
Theo đại biểu (ĐB) Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), việc bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để thực hiện thí điểm trong phạm vi một hoặc một số Bộ, ngành, địa phương là cần thiết, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, việc quy định khung số lượng sẽ giúp thu gọn đầu mối hiệu quả, phát huy được tính năng động của các cơ quan trong bố trí cán bộ. Tuy nhiên, ĐB Hải lưu ý cần làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí của việc phân cấp, phân quyền trong luật để làm cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định rõ hơn. Đồng thời gắn phân cấp, phân quyền với cơ chế kiểm tra, thanh tra.
Để tránh phân cấp, phân quyền tràn lan, ĐB Hải đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng quyền hạn của Trung ương, địa phương.
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) chỉ ra, trong những năm qua, sự phàn nàn, kêu than của cấp cơ sở cũng như người dân và doanh nghiệp trong thanh tra, kiểm tra, hay thủ tục rườm rà có nguyên nhân của việc phân cấp, phân quyền chưa được đẩy mạnh, hoặc đã phân cấp, phân quyền nhưng văn bản dưới luật chưa quy định.
Vì vậy, vấn đề nào cũng phải báo cáo xin ý kiến, chủ trương, sinh ra nhiều cấp trung gian và đây là cấp "hành cấp dưới” khi đề ra những quy định rườm rà, là nguyên nhân của lãng phí, tạo rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, ĐB Diến đề nghị Luật quy định giao cho Chính phủ quy định tổ chức đơn vị bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cũng như các đơn vị bên trong thuộc UBND cấp tỉnh.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Luật giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện nhằm đẩy mạnh phân cấp cho người đứng đầu chính quyền địa phương là hợp lý. Mặc dù quy định như vậy sẽ dẫn đến việc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện không thống nhất chung cả nước, song, ĐB Hòa cho rằng, ở nước ta một số vùng miền có đặc thù riêng, tùy thực tiễn, địa phương sẽ bố trí cơ quan chuyên môn phù hợp, không ngoài khung cho phép của Chính phủ giao.
ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho hay, hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương phân định thẩm quyền tập thể và cá nhân còn rất chung chung, có tính chất nguyên tắc và theo một nhóm lĩnh vực quản lý Nhà nước. Do vậy, khi ban hành luật, nghị định hay thông tư không có tiêu chí phân định thiết kế thẩm quyền cá nhân giữa UBND và Chủ tịch UBND. Trong thực tế, thường hay quy định trao quyền cho tập thể, tức là UBND cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào tập thể, hội họp nhiều, mất thời gian...
ĐB Võ Thị Như Hoa đề nghị, để khắc phục tình trạng này, cần bổ sung vào dự thảo Luật nguyên tắc phân quyền theo hướng tập thể UBND chỉ quyết định những vấn đề lớn, đa ngành, những vấn đề cần giải trình HĐND và Chính phủ. Những vấn đề cụ thể, chuyên ngành thì trao quyền cá nhân là Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND quyết định. HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc sử dụng quyền lực của UBND thông qua hoạt động giám sát thường xuyên. Có như vậy, hoạt động của cơ quan hành chính mới nhanh chóng, kịp thời, phát huy được trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ các cấp hành chính…
(Theo dangcongsan.vn)