Mở đầu phiên thảo luận tham gia ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, đại biểu Dương Văn Thống tán thành với đánh giá của Trung ương Đảng và Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2020.
Theo đó, năm 2019, kinh tế nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. "Tôi tán thành với đường lối, biện pháp giải quyết vấn đề trên biển Đông của Trung ương và Chính phủ từ tháng 7 đến nay. Tôi nói thêm, lịch sử nước ta, thời nào vua tôi đồng lòng, được lòng dân thì nước mạnh, giữ yên đất nước. Đương nhiên, các triều đại như thế xử lý các vấn đề với các nước láng giềng rất khéo léo” - đại biểu Thống nói.
Vấn đề thứ hai, đại biểu cho biết, qua theo dõi nhiều năm, thấy các dự án đầu tư công chuẩn bị triển khai có nhiều vướng mắc, chậm có thể do nhiều nguyên nhân như: các quy định, khả năng cân đối vốn, phân bổ vốn, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu.
Nêu vấn đề ở khía cạnh là các quy định, đại biểu thông tin dự án đầu tư công trong điều kiện bình thường, dù là dự án nhỏ, quy mô vài tỷ đồng thôi mà phải đấu thầu thì điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.
"Qua thực tế, từ chủ trương, chuẩn bị cho đến lúc khởi công công trình, chúng tôi tập hợp lại thì phải qua 64 bước gắn với các thủ tục, và số thủ tục chắc chắn nhiều hơn so với số bước này. Thời gian nếu làm nhanh nhất, một dự án đầu tư công, chúng tôi đã tính toán phải trên 90 ngày thì mới có thể khởi công” - đại biểu Dương Văn Thống cho biết.
Nhưng các quy định hiện nay, tối đa có thể kéo dài đến 400 ngày, thậm chí còn hơn. Trong đó có 16 bước thời gian tối đa 20 - 30 ngày. Đối với địa phương, những dự án phải có ý kiến của cấp ủy, Thường trực và Ban Thường vụ thì thêm các bước là xin chủ trương lãnh đạo các dự án lớn, quan trọng của tỉnh.
Đại biểu nêu ý kiến: "Xuất phát từ thực tế đó, tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát để khi thực hiện Luật Đầu tư công mới, nhất là các nghị định về quy trình các bước thế nào cho hợp lý... Và tôi cũng đề nghị đưa ý này vào Nghị quyết kinh tế - xã hội năm 2020”.
Đại biểu cũng cho rằng, trong chỉ đạo thực hiện thì phải rút ngắn thời gian thực hiện; nếu một dự án đầu tư bình thường phải đấu thầu mất trên 90 ngày gồm cả từ lập - thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư; lập - thẩm định phê duyệt dự án; lập - thẩm định, phê duyệt lựa chọn nhà thầu... "Tất cả quy trình đó nếu bình thường cũng phải mất gần trăm ngày".
Nội dung thứ ba, đại biểu Dương Văn Thống đề nghị "Nhà nước xem xét chỉ định thầu đối với những gói thầu mua sắm hàng hóa xây lắp và gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn (khoảng 5 trăm 1 tỷ đồng) thì tôi đề nghị nâng lên. Thực chất là những dự án đấu thầu của chúng ta vẫn còn hình thức, mà những dự án ở cơ sở thì 1 tỷ, 2 - 3 tỷ cũng có thể nghiên cứu cho đấu thầu chặt chẽ hơn".
Thứ tư, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm để Yên Bái có thể đẩy nhanh hơn các dự án đã có chủ trương và bố trí vốn từ nguồn ngân sách trung ương dự phòng giai đoạn này như dự án công trình cầu Cổ Phúc nối trung tâm huyện Trấn Yên, dự án tuyến nối từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14) với thị xã Nghĩa Lộ bằng nguồn ADB, dự án đường Trạm Tấu - Bắc Yên - Sơn La (một dự án theo đề nghị cử tri hơn 10 năm nay), dự án đường Khánh Hòa (Lục Yên) với huyện Văn Yên thuộc dự án xây dựng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội huyện nghèo.
Cuối cùng, đại biểu Dương Văn Thống đề nghị Quốc hội và Chính phủ khẩn trương xem xét tờ trình của UBND tỉnh Yên Bái về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã để thống nhất trong hệ thống chính trị, mặt trận đoàn thể để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp sắp tới.
Quang Tuấn (lược ghi)