Thực hiện việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25 ngày 25/7/2017 về sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ; Nghị quyết số 45 ngày 14/12/2017 về sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Trấn Yên; Nghị quyết số 37 ngày 8/12/2018 về sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thành phố Yên Bái.
Trước khi thực hiện việc sắp xếp, toàn tỉnh có 2.349 thôn, bản, tổ dân phố với số lượng người hoạt động không chuyên trách là 17.137 người. Sau khi thực hiện việc sắp xếp, toàn tỉnh còn 1.364 thôn, bản, tổ dân phố, giảm 985 thôn, bản, tổ dân phố, tương đương 41,9%; tổng số người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp còn 7.167 người, giảm 9.970 người (tương đương 58,2%); kinh phí chi cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố giảm trên 40 tỷ đồng/năm.
Có thể khẳng định, việc sắp xếp, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhận được sự đồng thuận thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Sau sáp nhập đã góp phần tinh gọn đầu mối, tinh giản số người hoạt động không chuyên trách, giảm chi cho ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư cho thôn, bản, tổ dân phố, từng bước nâng cao phụ cấp và trách nhiệm cho người hoạt động không chuyên trách.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo nghị quyết, sau sắp xếp, về địa giới, tỉnh vẫn giữ nguyên 9 đơn vị hành chính cấp huyện, mở rộng không gian phát triển thị xã Nghĩa Lộ; đồng thời, giảm 7 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp đã nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu HĐND tỉnh, của cử tri các địa phương cho thấy chủ trương của Đảng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Cùng đó, các nghị quyết mà HĐND tỉnh ban hành về các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đó là các nghị quyết liên quan đến một số nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020; Nghị quyết về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020.
Nghị quyết về một số chính sách và nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020; nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020; nghị quyết về xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông... góp phần làm thay đổi căn bản về tư tưởng, nhận thức trong xây dựng nông thôn mới và tạo diện mạo mới cho nông thôn miền núi từ vùng thấp đến vùng cao trong tỉnh phát triển.
Những ngày cuối năm về huyện Trấn Yên, trên những con đường nông thôn mới từ Hưng Khánh, Hồng Ca, Kiên Thành đến Quy Mông, Hòa Cuông… đâu đâu cũng cảm nhận được không khí vui tươi, rộn ràng khi đầu xuân mới Canh Tý này, huyện Trấn Yên sẽ trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và là huyện nông thôn mới đầu tiên của các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc.
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Nguyễn Thế Phước cho biết, địa phương đã cụ thể hóa nghị quyết của HĐND tỉnh và đề án của UBND tỉnh để quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020. Huyện đã có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, tăng tốc để tạo sự bứt phá trong xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các xã, các thôn, bản còn nhiều khó khăn.
Chỉ đạo các chi, đảng bộ được phân công giúp đỡ các thôn đặc biệt khó khăn trực tiếp đến khảo sát, xây dựng kế hoạch giúp đỡ các thôn thực hiện tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu, tự giải phóng mặt bằng để làm đường bê tông tại các thôn, bản khó khăn.
"Những con đường bê tông rộng mở từ sự đồng thuận của "ý đảng, lòng dân” nối nhà, nối xóm đã tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là động lực quan trọng, tạo nền tảng để người dân chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thế Phước chia sẻ.
Nhờ ban hành các nghị quyết, đề án trúng, đúng, sát thực tế và hợp lòng dân trong xây dựng nông thôn mới mà đến nay Yên Bái đã có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 địa phương là thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trấn Yên hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Tiến Thịnh cho biết: "Thời gian qua, hoạt động của HĐND tỉnh thực sự có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo và phát huy hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành gần 170 nghị quyết, trong đó, có những nghị quyết ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống an sinh xã hội. Hầu hết chính sách sau khi ban hành đã đi vào thực tiễn đời sống, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Với rất nhiều quyết sách đã được thông qua tại các kỳ họp của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều cơ chế, chính sách đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống. Tin rằng, trong thời gian tới nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo xem xét, quyết định liên quan trực tiếp, thiết thực đến các vấn đề quốc kế dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các nghị quyết của kỳ họp HĐND tỉnh sẽ sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Hảng A Thào - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu:
"Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020, trong đó, có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò... là một chủ trương lớn của tỉnh nhằm khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn. Đây là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao Trạm Tấu có nhiều khởi sắc và thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững”.
Ông Hoàng Văn Cử - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 3, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên:
"Nhân dân rất phấn khởi và đồng thuận cao để thực hiện chủ trương này. Việc sáp nhập các thôn, bản đã giúp chúng tôi thuận tiện hơn trong việc nắm bắt tình hình; việc triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân cũng nhanh và gọn hơn trước”. |
Mạnh Cường - Đức Toàn