Cách đây đúng 60 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đã thực hiện Tết trồng cây đầu tiên trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý 1960. Cho đến hôm nay, khi mỗi mùa xuân tới, Tết trồng cây đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của cả dân tộc để mong muốn của Người "Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” trở thành hiện thực.
Tết trồng cây thể hiện tư tưởng lớn
Tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động và thực hiện Tết trồng cây chính là tư tưởng vì nước vì dân, xây dựng nước nhà, xây dựng nông thôn mới. Với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá "rừng vàng”, Người nhắc nhở: "Chúng ta chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”.
Quan điểm nhất quán của Hồ Chủ tịch xuyên suốt ngay từ thời điểm Người trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam về việc tất yếu phải trồng cây, đơn giản nhất là "Muốn ăn quả thì phải trồng cây”.
Trong từng giai đoạn cụ thể của đất nước, của sự nghiệp cách mạng, Bác đều có những định hướng, gợi mở phù hợp, khách quan, mang tầm chiến lược, quốc kế dân sinh. Lời thơ của Bác khích lệ: "Muốn làm nhà cửa tốt. Phải ra sức trồng cây” để chuẩn bị gỗ làm nhà, ổn định cuộc sống.
Người chỉ rõ: "Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ở bờ biển” trong Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956. Hồ Chủ tịch cho rằng: "Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng cái cây ăn quả: Người đào giếng phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới chóng có quả”. Nhằm lập thành tích chúc mừng Đảng tròn 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: "Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”.
Báo Nhân Dân số 2082 xuất bản ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Tết trồng cây” nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây: "Từ năm 1960 - 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Bác ân cần nhắc nhở: "Trồng cây rồi thì phải ra sức chăm sóc cây, trồng cây nào phải chăm sóc cho cây ấy sống và tươi tốt”. Yêu cầu phải phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng, trong đó chỉ ra lực lượng nòng cốt là thanh niên, Bác nói: "Thanh niên nên phụ trách việc trồng cây”.
Người đặc biệt quan tâm chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ bởi "Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, ăm ắp khát vọng, hoài bão, sức mạnh. Chiến lược "trồng cây” và "trồng người” có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Thiết thực hưởng ứng Tết trồng cây
Thiết thực hưởng ứng Tết trồng cây hàng năm, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sôi nổi, hăng hái ra quân trồng cây, trồng rừng, góp phần tích cực phủ xanh đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn toàn tỉnh. Yên Bái được xếp vào tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế về phát triển lâm nghiệp với trên 463.139 ha đất có rừng.
Tỉnh đã tiến hành rà soát, quy hoạch các loại rừng và giao đất, giao rừng cho người dân bên cạnh việc quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến. Đồng thời, tỉnh cũng đã đổi mới cơ chế mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng.
Phong trào thi đua bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh không ngừng được phát huy, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân trong những năm qua. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh đã trồng mới từ 1.000 - 1.500 ha rừng phòng hộ và trồng mới trên 15.000 ha rừng sản xuất, trong đó chủ yếu trồng lại rừng sau khai thác. Bằng nỗ lực không ngừng, năm 2018, Yên Bái có độ che phủ rừng cao thứ tư trong cả nước, tỷ lệ đạt 63% so với mức bình quân của cả nước là 41,65%.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng ngày càng được nâng cao nhờ chất lượng cây giống ngày càng được đảm bảo. 90 triệu cây giống do 58 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp cung ứng hàng năm đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Năng suất rừng sản xuất tăng từ 20 - 25% so với các năm trước, tăng trưởng bình quân 4 - 5 m3/ha.
Năm 2018, toàn tỉnh khai thác và tiêu thụ trên 450.000 m3 gỗ rừng trồng và 90.000 tấn tre, nứa, vầu phục vụ chế biến trong tỉnh, ngoài tỉnh. Nhờ đó, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 21,9% cơ cấu nội ngành. Một số vùng có sản phẩm hàng hóa sản xuất lâm nghiệp đã hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng quế tại huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn; vùng măng tre Bát độ ở huyện Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên; vùng nguyên liệu quả sơn tra tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải; vùng rừng gỗ nguyên liệu phục vụ công nghiệp… Đặc biệt, người dân chú trọng tập trung đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất theo hướng kinh doanh gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng cả trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp. Yên Bái đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của vùng, của cả nước về trồng rừng sản xuất.
Dấu ấn tốt đẹp năm 2019
Đúng một năm về trước, Yên Bái vinh dự được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cấp quốc gia xuân Kỷ Hợi 2019 vào mồng 6 tết tại thôn 6, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấm thía những lời chỉ dẫn của Bác Hồ, càng thấy sâu sắc hơn sự cần thiết, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng”.
Tại Lễ phát động, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào tốt cây đó; cần nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, ngay trong ngày phát động, tại 9/9 huyện, thị, thành phố đã đồng loạt tổ chức ra quân trồng cây, trồng rừng với khí thế thi đua hăng say. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Tết trồng cây đúng như lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Tết trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công”.
Đặc biệt, năm 2019 ghi dấu ấn với nhiều thắng lợi vượt trội, nổi bật của tỉnh sau một năm thực hiện Chương trình hành động số 144 - CTr/TU của Tỉnh ủy Yên Bái, trong đó có chỉ tiêu trồng rừng. Năm 2019, toàn tỉnh trồng mới gần 16.400 ha rừng, đạt 102,5% kế hoạch giao. Cùng với trồng rừng, Yên Bái đã khai thác và tiêu thụ 528.685 m3 gỗ rừng trồng các loại, đạt 101,7% kế hoạch; khai thác, tiêu thụ 82.068 tấn tre, nứa, vầu cùng với 930.950 tấn củi, 81.025 tấn măng các loại, 346 tấn nhựa thông, 19.237 tấn vỏ quế và khoảng 78.460 tấn cành, lá quế phục vụ chế biến tinh dầu. Gần 1.900 tỷ đồng là giá trị sản xuất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái đạt được năm 2019. Kinh tế rừng phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn hộ gia đình từ vùng thấp đến vùng cao.
Năm 2020, Đảng ta tròn 90 tuổi, đánh dấu một chặng đường vinh quang. Năm 2020, Việt Nam kỷ niệm 75 năm thành lập nước. Kể từ Tết trồng cây đầu tiên xuân Canh Tý 1960 là 60 mùa xuân tràn đầy sức sống mãnh liệt của phong trào Tết trồng cây trên khắp mọi miền Tổ quốc và Yên Bái tô điểm thêm nét xanh ngời trong màu xanh đất nước. Giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn từ chủ trương Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hôm nay vẫn đậm nguyên tính thời sự và sáng đẹp ý nghĩa thiết thực. Khởi đầu năm mới chứa chan tin yêu và hy vọng, Tết trồng cây đã "góp thêm hương sắc cho đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ.
Nguyễn Thơm