Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh và các ngành thành viên.
Năm 2019, việc xây dựng CPĐT có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đã tăng gấp đôi. Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công của Chính phủ và Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu. Công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.
Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (9/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến thời điểm này, đã có 9/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, hành kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia…
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật khung thể chế cho triển khai CPĐT; chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai; trên 70% bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống…
Ở Yên Bái, Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai xây dựng CQĐT và đạt một số kết quả tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin, mạng chuyên dùng của cơ quan bước đầu được đầu tư để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Các hệ thống phần mềm dùng chung từng bước đầu tư, nâng cấp phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; việc nhận văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số được thực hiện duy trì tốt.
Việc sử dụng Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, phần mềm quản lý văn bản và điều hành dần đi vào nề nếp và là thói quen của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động chuyên môn...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Phải tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay là 10,7%, yêu cầu phải tiếp tục rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp qua CPĐT.
Trong năm 2020, phải ban hành các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu; về định danh và xác định xác thực thư điện tử; về việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; phải hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CPĐT với 3 mục tiêu phấn đấu là: 100% các bộ ngành địa phương có nền tảng tích hợp để chia sẻ dữ liệu; 100 nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành phố có Trung tâm giám sát điều hành an ninh mạng.
Xây dựng CPĐT phải đi liền với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn liền với CCHC, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi tiêu, không để tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn...
Để đảm bảo tài chính cho CPĐT, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông cho các dự án nền tảng dùng chung của CPĐT...
Đình Tứ