Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2020)

Vinh dự được làm “người đầy tớ ” của dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/7/2020 | 7:51:43 AM

YênBái - Đó là tâm sự chân thành của chị Lê Thị Lụa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện nông thôn mới (NTM) Trấn Yên. Được cán bộ, đảng viên mệnh danh “người đàn bà thép” trong quản lý, điều hành mọi công việc của chính quyền cơ sở, song với người dân Việt Thành, Bí thư Lụa thực sự là “người đầy tớ trung thành của dân” với đầy đủ ý nghĩa như lời Bác Hồ từng dạy mỗi cán bộ, đảng viên.

Chị Lê Thị Lụa (thứ hai, ngoài vào) đang trao đổi với cán bộ công chức xã.
Chị Lê Thị Lụa (thứ hai, ngoài vào) đang trao đổi với cán bộ công chức xã.

Khỏi phải nói đến những khốn khó của Việt Thành trước thời kỳ đổi mới, cũng không thể kể hết những vất vả mà người nữ cán bộ ấy đã dồn cả ý chí, nghị lực và tâm huyết để vươn lên khẳng định vai trò "phái yếu” trên cương vị lãnh đạo, đưa Việt Thành từ không đến có, từ trì trệ, đói nghèo, lạc hậu đến bứt phá, năng động, sáng tạo đi lên trên con đường xây dựng điển hình NTM kiểu mẫu.

Là con thứ 7 trong một gia đình nông dân nghèo có 9 anh, chị em, nhưng cô gái tuổi Nhâm Tý Lê Thị Lụa đã sớm bộc lộ vai trò quản lý, gánh vác việc nhà giúp cha mẹ. Từ lên rừng hái măng, mót sắn tới lội ruộng cấy lúa, trồng ngô, rồi theo bạn đi buôn bằng chiếc xe đạp cà tàng khắp các thôn gần, bản xa trong xã. Sự năng động, nhạy bén với thời cuộc đó đã sớm đưa chị đến với tổ chức hội, đoàn thể để "các cô bác chỉ bảo, bồi dưỡng, giúp đỡ” khôn lớn hơn, trưởng thành hơn trong mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm sau này. 

Sau khi lập gia đình, cùng với bộn bề lo toan của cuộc sống riêng, chị vẫn tích cực trong các phong trào hoạt động của Đoàn thanh niên, của Chi hội phụ nữ và trách nhiệm của người kế toán thủy nông. Chị giúp đỡ, chỉ bảo những gì mình biết cho mọi người một cách tỉ mỉ, tận tình, chị sẵn sàng bán chịu hàng hoặc cho vay, thậm chí biếu luôn bà con lối xóm lúc họ khó khăn. Thế rồi, chị được các hội viên phụ nữ tín nhiệm bầu làm cán bộ Hội và cán bộ chuyên trách dân số kế hoạch hóa gia đình… 

Từ đó, sự gắn kết của chị với chị em càng thêm bền chặt. Qua tuyên truyền, vận động chị em áp dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, chị Lụa càng hiểu thêm những vất vả của phụ nữ nghèo, đông con để bàn bạc với tổ chức vận động các đấng mày râu chia sẻ việc nhà, việc dạy dỗ con cái, việc bất lợi về sức khỏe, tính mạng dẫn tới đói nghèo vì "thích có con nối dõi”. 

Ban đầu, nhiều người chưa nghe ra nhưng "mưa dầm thấm lâu”, được chị Lụa kiên trì thuyết phục, chỉ ra những "tấm gương” đói nghèo và khá giả của các hộ trong xã, trong thôn, những trường hợp mâu thuẫn vợ chồng dẫn tới ly hôn khi cố sinh con trai không được…, dần dần mọi người đã hiểu, làm theo và trên 80% số hộ gia đình trẻ trong xã nay dừng lại ở mức "sinh đủ hai con để nuôi dạy cho tốt”.

Từ sự gần gũi, hòa đồng với nhân dân và sự tin tưởng của người dân các thôn dành cho, năm 2004, chị Lụa được nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND xã và làm Phó Chủ tịch HĐND xã. Năm 2005, chị được bầu giữa chức Phó bí thư Đảng ủy xã. Năm 2010, chị được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND xã, năm 2015, chị được bầu giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã - đặt bước chân đầu tiên vào hành trình gần 10 năm làm "đầy tớ” của dân Việt Thành.

37 tuổi nhận trọng trách Chủ tịch UBND xã, dù có được giúp đỡ thì bất kể cán bộ nào trong nhiệm kỳ đó cũng khó tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng, chị Lụa cũng không nằm ngoài số đó. Là cán bộ nữ, trẻ tuổi, kinh nghiệm còn thiếu. Hơn thế, Việt Thành khi đó còn là xã đứng ở vị trí gần cuối của Trấn Yên về mọi lĩnh vực. 

Song, nghĩ tới trách nhiệm mà Đảng tin, dân cử, nghĩ tới lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ là gốc của mọi công việc”, chị quyết định phải bắt đầu từ "cái gốc” quan trọng này. Nghĩ là làm, đầu tiên chị trực tiếp đi xuống từng thôn, nắm tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để được gần dân, học hỏi trong dân, lĩnh hội ý kiến của dân và tìm tiếng nói chung, tìm sự đồng thuận, nhất trí từ dưới lên trên, từ dân tới Đảng. Chị Lụa tâm sự: "Lúc đề xuất với Đảng ủy xã về việc sắp xếp cán bộ theo thẩm quyền của Chủ tịch, nhiều người bảo chị liều, nhưng thực tế Việt Thành khi ấy quả thực không làm không được”.

- Vậy ý kiến của chị là gì mà mọi người bảo chị liều? - tôi hỏi.

- Chị đề xuất với Đảng ủy xã là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy phải phụ trách các thôn khó khăn nhất. 

- Rồi chị phải thực hiện trước làm gương?

- Đúng vậy, mình nói là phải gắn liền với làm thì mọi người mới tin cô ạ.

Vậy là, Chủ tịch Lụa xung phong phụ trách thôn 3 - thôn vùng sâu mà nhiều cán bộ xã "ớn nhất”, năng lực của cán bộ thôn hạn chế, uy tín của người dân với Trưởng thôn giảm nên thôn không hoàn thành các chỉ tiêu xã giao... 

Chị khảng khái xin Đảng ủy được kiêm luôn chức Trưởng thôn 3 đầy phức tạp này. Được Đảng ủy đồng ý, việc đầu tiên của chị là chọn những hộ "khó bảo” ấy mà đến thăm hỏi và tuyên truyền, vận động họ hiến đất làm nhà văn hóa trước rồi mới tới các hộ khác. Đồng thời, bản thân chị cũng gương mẫu hiến đất ruộng tốt của gia đình mình đổi cho 1 hộ khác trong thôn lấy đất xây nhà văn hóa tâm linh. 

Tại buổi họp thôn 3, chị nêu ý kiến làm nhà văn hóa thôn với phương châm Nhà nước hỗ trợ một phần, phần còn lại vận động các hộ khá, giàu ủng hộ. Nghe vậy, rất đông hộ khá giả và cả những hộ "khó bảo” cùng giơ tay xin được hiến đất khiến cuộc họp trở thành buổi đăng ký ủng hộ hiến đất, hiến công, hiến kế, hiến kinh phí làm nhà văn hóa thật sôi nổi, bỏ qua khoảng cách giàu nghèo, cũng chẳng còn Chủ tịch hay Trưởng thôn đang chỉ đạo họp nữa mà chỉ là "cháu Lụa, cô Lụa làm hay đấy”, "cháu nghe ông bảo này, bà nói thế này con nghe có được không?”... thật vui vẻ và ấm cúng. 

Sau hơn 2 tháng triển khai, công trình nhà văn hóa thôn 3 được hoàn thành, tình làng nghĩa xóm của thôn "đặc biệt” ấy được gắn kết, phong trào làm đường giao thông, góp sức xây dựng NTM cũng được mọi người chung sức, chung lòng ủng hộ. Thấy thôn 3 làm được, người dân các thôn còn lại của xã cũng chung tay, chung sức lần lượt hoàn thành nhà văn hóa thôn mình và cùng hiến đất làm đường giao thông, xây nhà văn hóa và các công trình công cộng chung của xã.

Trở lại công tác cán bộ của xã, bằng cách làm hợp tình, hợp lý, từ tuyên truyền, vận động, thuyết phục tới giáo dục, khiển trách, kỷ luật với những cán bộ chây ỳ, không hoàn thành nhiệm vụ, kể cả người nhà đều được vị Bí thư, Chủ tịch nữ Lê Thị Lụa giải quyết trình tự, thấu đáo. 

Với cán bộ năng lực kém, chị cho đi đào tạo, bồi dưỡng; cán bộ không nhiệt tình, tâm huyết với công việc, chị quyết cho nghỉ, tìm người có năng lực thay thế… Đồng thời, chỉ đạo anh em chuyên môn rà soát lại tất cả hồ sơ, vụ việc tồn đọng khiến dân thắc mắc, kiến nghị đưa ra giải quyết và trực tiếp đứng ra xử lý những vụ, việc phức tạp. Với chị, cán bộ, đảng viên mà không làm được để dân tin, chưa nói được để dân nghe, chưa đi sâu đi sát với dân thì "miễn xem xét thi đua”. 

Vì vậy, bắt tay vào xây dựng NTM, tất cả những công việc hành chính ở xã chị đều chỉ đạo cán bộ giải quyết nhanh, gọn, để dành thời gian xuống thôn "ba cùng”, "bốn cùng” với đồng bào. 

Từ gieo cấy giống mới, làm cỏ, cuốc đất, gánh phân cho tới trồng dâu, làm đường, xóa nhà dột nát hoặc tham gia các phong trào thể dục thể thao. Cứ thế, cán bộ đi tới đâu, phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội các thôn mạnh tới đó. 

Từ 57.000 m2 đất mà người dân trong xã được tuyên truyền, vận động hiến cho Nhà nước đã có gần 10 km đường liên thôn, hơn 15 km đường nội thôn được bê tông hóa, giúp Việt Thành cán đích NTM ngay trong năm cuối nhiệm kỳ 2011-2015. Từ một xã thu nhập bình quân đầu người thấp nhất huyện, Việt Thành vươn lên đứng vào tốp có thu nhập cao nhất. 

Ngoài kết quả vượt bậc ấy, Việt Thành còn cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu với 2 thôn Trúc Đình và Phúc Lan đã được công nhận thôn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm, tăng 1,68 lần so năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,84%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lòng tin, sự kính phục của người dân trong xã dành cho nữ Bí thư, Chủ tịch Lụa nhiều hơn. 

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, chị đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã bầu giữ cương vị Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Bận rộn với công tác chính quyền là thế, nhưng bắt tay vào làm công tác Đảng, chị đặt ra quyết tâm phải xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Chị chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương, giảm từ 12 thôn xuống còn 8 thôn; từ 16 chi bộ xuống còn 9 chi bộ; giảm 21 cán bộ không chuyên trách cấp xã và cấp thôn, 4 cán bộ quản lý và 2 nhân viên trường học. 

Song song với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bố trí và sử dụng cán bộ nghiêm túc, công khai, minh bạch gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ xã đã kết nạp mới 31 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 171 đảng viên. 

Quý I/2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy Trấn Yên, cùng với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Bí thư, Chủ tịch xã Việt Thành đã lãnh đạo tổ chức thành công đại hội điểm Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tỉnh, một lần nữa chị lại tiếp tục được tín nhiệm cao ở cương vị Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Luôn coi mình xuất phát từ nông dân và vinh dự được làm "người đầy tớ của dân” nên thay vì nghỉ xả hơi sau đại hội điểm, chị lao ngay vào nhiệm vụ đã nhen nhóm từ lâu: sửa sang lại khuôn viên trụ sở xã, tu sửa lại bếp ăn và xóa nốt nhà tạm cho 2 hộ nghèo, đơn thân trong xã. 

Vẫn phương châm "lấy dân làm gốc, lấy cán bộ, đảng viên làm gương”, ngay khi hết thời hạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, chị Lụa bàn với Đảng ủy xã vận động cán bộ đóng góp tiền mua sắm đồ dùng sinh hoạt cho cả 2 hộ nghèo, nhân dân các thôn huy động tiền, ngày công, vật liệu cùng hơn 30 tay thợ xây, thợ mộc trong xã tham gia xây dựng nhà; vận động họ hàng, người thân hiến đất giúp hai hộ nghèo đơn thân có ngôi nhà mới sạch sẽ, thoáng mát để ở. 



Bà Nguyễn Thị Thức (người ngồi trong) trò chuyện với cán bộ xã và Trưởng thôn Đồng Phú trong ngôi nhà mới. 

Trong ngôi nhà mới hoàn thành ở thôn Đồng Phú, bà Nguyễn Thị Thức hí húi nấu ăn trưa và tất bật với mấy chú gà mới nuôi chả biết ra đón khách khiến ông Trần Văn Năm - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn gãi tai bày tỏ: "Bà ấy không được khôn lắm, gia cảnh cũng chả có gì nên mọi người thương muốn giúp cũng không biết làm thế nào. Khi Bí thư Lụa có chủ trương làm nhà cho bà ấy, cả thôn cũng họp và huy động gần 100 công tham gia. Xã hỗ trợ vật liệu, Chi bộ vận động đảng viên quyên góp tiền, quần chúng góp công lao động cùng cán bộ xã tham gia dựng nhà mới cho bà Thức. Ngày nào cũng làm từ 6 giờ sáng tới 18 giờ chiều mới nghỉ nên chỉ trong 1 tuần đã hoàn thành ngôi nhà. Dân vui mừng lắm vì không có Bí thư Lụa thì chẳng biết bao giờ bà ấy mới có ngôi nhà tử tế để ở”. 

Còn chị Trần Thị  Huệ - cán bộ văn hóa xã thì tâm sự: "Hơn 96% hộ gia đình trong xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa đều có công giúp đỡ rất lớn của cô Lụa vì cô ấy vừa là cán bộ lãnh đạo nhưng cũng vừa là cán bộ tuyên truyền giỏi dân vận, cán bộ tư pháp xã giỏi hòa giải tất cả những mâu thuẫn lớn, nhỏ trong các công việc riêng, chung của mỗi gia đình”.

Với tinh thần trách nhiệm hết lòng, hết sức vì công việc, vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, 10 năm qua, chị Lê Thị Lụa liên tục được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương. Năm 2019, chị vinh dự là một trong 129 điển hình tiêu biểu của cả nước được tôn vinh tại cuộc triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đồng thời, cũng là đại biểu cấp xã duy nhất trong số 25 tập thể, cá nhân tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại thủ đô Hà Nội… 

Những cống hiến của chị Lê Thị Lụa đã đưa Việt Thành từ một xã nghèo, khó khăn trở thành điểm sáng xây dựng NTM của huyện Trấn Yên và góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết HĐND tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2016-2021: "Phấn đấu đến năm 2020, đưa huyện Trấn Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Yên Bái”. 
Việt Thành, tháng 8/2020
Thanh Hương

Tags Lê Thị Lụa xã Việt Thành Trấn Yên nông thôn mới cán bộ vượt khó hiến đất

Các tin khác
Lãnh đạo thị xã tặng hoa chúc mừng ngành tuyên giáo

Thị ủy Nghĩa Lộ vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020).

Sáng 30/7, Ban Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh) đã tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Mù Cang Chải kiểm tra mô hình trồng cây sơn tra bằng phương pháp ghép cành tại xã Lao Chải.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu HĐND huyện Mù Cang Chải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực sự là người đại diện cho cử tri; tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại buổi làm việc.

Sáng 30/7, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các ngành, địa phương về tình hình triển khai các dự án phát triển quỹ đất thu ngân sách năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục