Giảm hỗ trợ đầu vào, tăng cường hỗ trợ đầu ra
Ông Đinh Đăng Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ lần này có nhiều điểm mới so với chính sách hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020. Chính sách mới tập trung vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập trong sản xuất hiện nay trên cơ sở thay đổi cách tiếp cận chính sách theo hướng giảm dần hỗ trợ trực tiếp và tăng cường hỗ trợ thông qua các dự án liên kết theo chuỗi giá trị (CGT) để hình thành mối quan hệ sản xuất ổn định, bền vững. Giảm hỗ trợ đầu vào, tăng cường hỗ trợ đầu ra cho sản xuất; đồng thời giảm dần hỗ trợ cho từng khâu mà thay vào đó là hỗ trợ cho các khâu trong chuỗi để xây dựng các CGT hoàn chỉnh.
Nội dung của chính sách giai đoạn 2021 - 2025 thay đổi căn bản việc hỗ trợ trực tiếp đầu vào cho các hộ, gia đình, cá nhân phát triển sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu mà tập trung vào hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác để thực hiện các dự án liên kết theo CGT đối với các sản phẩm chủ lực đã cơ bản hình thành được vùng nguyên liệu và chỉ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất đối với các sản phẩm cần xây dựng, củng cố vùng nguyên liệu và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ của tỉnh.
Cụ thể, đối với các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm như: chè vùng cao, chè vùng thấp; quế; sơn tra; cây ăn quả; dâu tằm; tre măng Bát độ: giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp đầu vào cho các hộ gia đình, cá nhân bằng cây giống như chính sách giai đoạn 2016 - 2020, mà hỗ trợ thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi đáp ứng đủ các điều kiện về quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng... Trong đó, căn cứ vào thực trạng sản xuất, yêu cầu cụ thể của từng sản phẩm để quy định chính sách hỗ trợ cho một hoặc một số khâu để tác động hình thành được CGT hoàn chỉnh, bền vững.
Ông Đinh Đăng Luận đưa ra ví dụ: đối với sản phẩm chè, chính sách hỗ trợ tác động vào các khâu như: rà soát vùng nguyên liệu, tư vấn xây dựng liên kết; xây dựng hạ tầng phục vụ thu mua, chế biến; củng cố vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Đối với sản phẩm quế, hỗ trợ cho việc rà soát vùng nguyên liệu, tư vấn xây dựng liên kết; chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ và hoạt động xúc tiến thương mại. Đối với sản phẩm sơn tra, thủy sản, trọng tâm là hỗ trợ để xây dựng hạ tầng các nhà máy chế biến để liên kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm đầu ra...
Hai hướng hỗ trợ chính cho chăn nuôi
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi, được phân thành 2 hướng hỗ trợ chính. Một là, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết quy mô lớn. Hai là, hỗ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ. Điểm mới cơ bản của chính sách lần này là việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi phải đảm bảo 3 yếu tố chính là: đầu vào của sản xuất (cơ sở sản xuất giống, cung cấp thức ăn, thuốc thú y, dịch vụ thú y); tổ chức sản xuất (cơ sở chăn nuôi thương phẩm); đầu ra cho sản xuất (cơ sở thu mua, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm).
Ngoài ra, có thêm chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho sản xuất, cung ứng con giống lợn an toàn để khuyến khích sản xuất con giống tốt phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất trong thời gian tới.
Nghị quyết cũng quy định các cơ sở chăn nuôi hàng hóa phải tổ chức chăn nuôi an toàn dịch bệnh và được cấp chứng nhận theo quy định; đối với các cơ sở chăn nuôi theo hướng đặc sản, hữu cơ phải áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.
Cùng đó, Nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất NLNTS; hỗ trợ cho công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách. Việc tiếp tục duy trì chính sách này cho giai đoạn 2021 - 2025, sẽ giúp đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc tổ chức thực hiện các mô hình mới có hiệu quả trong sản xuất theo đề xuất của các địa phương mà khung chính sách chưa quy định và giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách đạt hiệu quả.
Lâm Hưng - Hà Anh