Năm 2021, huyện Mù Cang Chải đề ra 33 chỉ tiêu theo hướng cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Huyện xác định rõ các giải pháp khả thi đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu khó như: thu ngân sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác…
Xác định lộ trình, phân công rõ người rõ việc, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện; phát huy mạnh mẽ vai trò trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân - xác định đây là động lực quan trọng để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra; quán triệt phương châm: đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả. Theo đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện chủ trương phát triển các giống lúa bản địa chất lượng cao, có giá trị sản xuất hàng hóa theo vùng.
Trong đó, mở rộng diện tích gieo trồng nếp Khau Phạ, lúa Séng Cù lên 530 ha; phấn đấu tổng sản lượng lương thực năm 2021 đạt 45.560 ha; khuyến khích canh tác trên đất lúa 1 vụ các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, tạo cảnh quan đẹp như: cải dầu, sâm Hoàng-sin-cô, các loại hoa; phát triển và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, thị trường đầu ra bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của huyện.
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích phát triển mạnh các doanh nghiệp, hợp tác xã, huyện phấn đấu thành lập mới ít nhất 5 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và 110 tổ hợp tác; quan tâm phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác kinh tế; khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ khuyến công và các nguồn lực hỗ trợ khác, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh một số lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất cơ khí, dịch vụ sửa chữa, sản xuất đồ mộc dân dụng, gạch không nung…
Trên địa bàn hình thành các nhóm nghề truyền thống sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch; củng cố phát triển các sản phẩm tiểu thủ công làng nghề truyền thống mang bản sắc dân tộc Mông và Thái, tiến tới phấn đấu mỗi xã, thị trấn ra mắt một mô hình tổ, nhóm thợ, nghệ nhân phát triển, bảo tồn nghề truyền thống. Với định hướng phát triển mạnh du lịch, trọng tâm là du lịch dịch vụ gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu; phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là giá trị Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang.
Đồng thời, khai thác tốt các điểm tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, huyện đặt mục tiêu phấn đấu thu hút trên 180.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 110 tỷ đồng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 380 tỷ đồng.
Chú trọng đào tạo nghề, chuyển dịch trên 600 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; tạo việc làm mới cho 1.200 lao động. Huy động lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, năm 2021, hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại xã Nậm Khắt, ra mắt 10 bản nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Thực hiện huy động nguồn lực từ cộng đồng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó ngân sách Nhà nước đóng vai trò là "chất xúc tác” để thu hút các nguồn lực khác tham gia vào phát triển kinh tế. Phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư phát triển năm 2021 đạt từ 1.019 tỷ đồng trở lên; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7% trở xuống.
Nhiệm vụ trước mắt, huyện chỉ đạo tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, quyết tâm cao hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2021.
Minh Thúy