Xác định công tác thanh tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương, thực hiện Chỉ thị số 11 và Nghị quyết số 84 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 06 và đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện "nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, hạn chế, giảm tối đa các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời kỳ dịch bệnh, không thanh tra ngoài kế hoạch, chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm.
Năm 2020, toàn tỉnh đã điều chỉnh giảm 116 cuộc thanh tra và 38 cuộc kiểm tra đối với các doanh nghiệp; chỉ đạo ngành thanh tra tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ, không để xảy ra việc thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.
Những năm qua và năm 2020 không có đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với công tác thanh tra, kiểm tra của địa phương. Việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp được chỉ đạo thực hiện ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm.
Công tác phối hợp, xử lý chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra; cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán Nhà nước và với cơ quan kiểm tra của Đảng được thực hiện tốt, hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong kế hoạch thanh tra. Kết quả, nhiệm kỳ 2015 -2020, ngành thanh tra tỉnh đã triển khai thực hiện 433 cuộc thanh tra hành chính tại 1.183 đơn vị.
Qua đó, phát hiện 632 đơn vị sai phạm với số tiền hơn 78 tỷ đồng và 721,14 ha đất; kiến nghị xử lý thu hồi 46,55 tỷ đồng và 704,7 ha đất; kiến nghị xử lý khác 31,58 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 16 tập thể, 170 cá nhân.
Kiểm tra, đôn đốc thực hiện 1.072 kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra; đã thu 44,73 tỷ đồng, số còn lại đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc thu hồi; đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với 16 tập thể và 170 cá nhân.
Toàn tỉnh tiến hành 7.358 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 23.162 cá nhân và 2.576 tổ chức. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý thu hồi 1,34 tỷ đồng; ban hành 2.384 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.871 cá nhân và 513 tổ chức, xử phạt số tiền 14,15 tỷ đồng; xử lý tài sản vi phạm trị giá 153,3 triệu đồng.
Đặc biệt, Thanh tra tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan theo dõi, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ổn định sản xuất.
Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã tiến hành 83 cuộc thanh tra hành chính; 97 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện sai phạm với tổng số tiền 5,2 tỷ đồng và 3.305,4 m2 đất; kiến nghị xử lý thu hồi 4,1 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế: 1,1 tỷ đồng và 3.305,4m2 đất; đã ban hành 446 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6,2 tỷ đồng. Hoàn thành 2 cuộc thanh tra đột xuất; tỷ lệ thu hồi tiền sai phạm qua thanh tra đạt trên 98%.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của địa phương. Bên cạnh đó, ngành thanh tra tỉnh đã tham mưu giúp các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Kết quả thực hiện công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao so với toàn quốc (trên 90%).
Quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư bảo đảm về trình tự, đem tới sự hài lòng cho đông đảo nhân dân nhờ các phương án xử lý có lý, có tình. Do đó, Yên Bái được Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đánh giá là tỉnh không có "điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thanh tra và việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 84 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh còn có một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: một số doanh nghiệp hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung Nghị quyết số 84 và Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương thanh tra, kiểm tra không quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp nên còn có biểu hiện gây khó khăn, cản trở trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nhất là các hoạt động kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với một số lĩnh vực như: phòng cháy, chữa cháy; môi trường; lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra các vi phạm, nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội...
Theo Luật Thanh tra năm 2010, cơ quan Thanh tra tỉnh không có chức năng hướng dẫn hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, trong khi đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thường liên quan, tác động nhiều đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Do đó, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra trong phạm vi tỉnh.
Ngoài ra, việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, Thanh tra cấp huyện trong công tác thanh tra đối với các doanh nghiệp không phải doanh nghiệp Nhà nước chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa có chế tài xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp tư nhân có hành vi cản trở, chống đối, không thực hiện, thực hiện không kịp thời, đầy đủ kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.
Để triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra gắn với Nghị quyết số 84 của Chính phủ trong năm 2021 và những năm tiếp theo, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thanh tra các cấp, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao việc thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, thực thi công vụ của cơ quan, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong tỉnh, đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương; chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thanh Hương