YênBái - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
|
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.
|
Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, quá trình triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn huyện còn nhiều vướng mắc, dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thấp. Cụ thể, trong Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về phát triển kinh tế nông - lâm bền vững, tổng vốn kế hoạch được giao trong hai năm 2022 và 2023 là hơn 13,7 tỷ đồng (năm 2022 trên 12,1 tỷ đồng, năm 2023 trên 1,6 tỷ đồng), nhưng đến nay chưa giải ngân được.
Một trong những nguyên nhân chính là không còn đối tượng đủ điều kiện để thực hiện các hạng mục hỗ trợ. Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện do UBND cấp xã quản lý đã được giao khoán bảo vệ cho các cộng đồng dân cư. Số diện tích này được chi trả kinh phí từ nguồn dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Việc sử dụng song song nguồn ngân sách trung ương và nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng dẫn đến chồng chéo trong thực hiện chính sách.
Đối với các nội dung như hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, hoặc hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khai thác kinh tế dưới tán rừng, hiện trên địa bàn không còn diện tích phù hợp để thực hiện. Các diện tích đã được quy hoạch trồng rừng sản xuất trước đây đều đã được trồng và người dân đã nhận chi trả từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Để giải quyết tình trạng này, UBND huyện Trạm Tấu đã đề xuất điều chỉnh nguồn vốn sự nghiệp. Cụ thể, Tờ trình số 129 ngày 8/9/2023 đề nghị giảm nguồn vốn sự nghiệp năm 2022 và Công văn số 1293 ngày 26/10/2023 xin ý kiến sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương năm 2023 thuộc Tiểu dự án 1.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Trạm Tấu được phân bổ tổng vốn hơn 231 tỷ đồng giai đoạn 2021-2024, trong đó ngân sách trung ương hơn 212 tỷ đồng và ngân sách địa phương trên 19 tỷ đồng. Nguồn vốn này bao gồm hơn 162 tỷ đồng cho đầu tư phát triển và trên 68 tỷ đồng cho nguồn vốn sự nghiệp.
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã giải ngân trên 143 tỷ đồng, gồm hơn 135 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và hơn 8 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển đạt trên 123 tỷ đồng, còn vốn sự nghiệp chỉ đạt trên 19 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn diện tích thực hiện các dự án nông - lâm nghiệp, huyện Trạm Tấu sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch để tránh chồng chéo trong chính sách. Đồng thời, các cấp ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế giải ngân, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn và thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ rừng trên địa bàn.
Văn Dương
Tags
Trạm Tấu
giảm nghèo
mục tiêu quốc gia
dân tộc thiểu số
Đến thời điểm này, huyện Mù Cang Chải đã giải ngân gần 120 tỷ đồng vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đạt gần 50% kế hoạch.
Các cấp hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Yên Bái đã giúp đỡ 1.922 hộ có phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo. Đồng thời tiếp tục vận động, tuyên truyền thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Huyện Văn Chấn đã tập trung chỉ đạo thực hiện phân bổ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện năm 2024 theo Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 17/7/2024 của HĐND huyện Văn Chấn với tổng kinh phí trên 48,8 tỷ đồng.
Phát huy nội lực, tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; đồng thời, kết hợp với sự đầu tư, hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), chính quyền, nhân dân huyện Lục Yên đã nỗ lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và đạt được nhiều kết quả nổi bật.