Phát huy lợi thế địa phương, huyện Văn Yên đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bằng việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững; tập trung nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản hiện có như: quế, lúa chất lượng cao, ngô, sắn, gỗ rừng trồng...
Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, huyện đã triển khai 2 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời, duy trì, mở rộng đối với những chuỗi giá trị đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trong thực tiễn; quan tâm khuyến khích, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của huyện gắn với đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra bền vững cho các sản phẩm; triển khai hiệu quả Chương trình OCOP; tiến hành xây dựng hoàn thành 6 sản phẩm đạt hạng 3 sao gồm: tinh dầu Quế Phát, hương Quế Phát, tinh dầu cao cấp long não, mật ong rừng nguyên chất cao cấp, bột quế cao cấp, cao đặc cà gai leo.
Đồng thời, tập trung vào trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo trong năm 2021 trồng mới trên 3.065 ha rừng các loại; tổ chức triển khai quy trình đăng ký cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC), bảo đảm có ít nhất 1.000 ha rừng trồng được cấp chứng nhận FSC. Cùng đó, tập trung tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực XDNTM và phấn đấu năm 2021 có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM.
Thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu nghị quyết, kế hoạch giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là theo CTHĐ số 18 của Tỉnh ủy, năm 2021, huyện phấn đấu giảm 2,15% hộ nghèo trở lên.
Để đạt được mục tiêu, huyện đã, đang huy động sự vào cuộc của cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng thoát nghèo; xây dựng, nhân rộng mô hình tổ hợp tác hoặc tổ tự quản giảm nghèo, tập hợp các hộ khá giả hoặc đã thoát nghèo giúp đỡ, tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế… giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo sớm thoát nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo về sản xuất, học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập để phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả để hộ nghèo, hộ cận nghèo học tập, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội khác để thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững… Hết tháng 2/2021, huyện có 360 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền trên 13 tỷ đồng.
Trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm, ý chí quyết tâm, vượt khó vươn lên; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện song hành "mục tiêu kép” vừa phòng, chống hiệu quả bệnh Covid-19, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; bảo đảm quốc phòng - an ninh... hiện tại, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung CTHĐ số 18 của Tỉnh ủy, Kế hoạch 23 của Huyện ủy tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc triển khai thực hiện CTHĐ 18 của Tỉnh ủy đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân; thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu, nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành chương trình đề ra.
Hết tháng 2/2021, huyện đã đạt được một số chỉ tiêu quan trọng như: hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân với 2.950 ha; trồng mới 1.386 ha rừng; tổng đàn gia súc chính đạt 106.702 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 327,3 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 465,9 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt 57,4 tỷ đồng; thành lập mới 28 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã và 35 tổ hợp tác…
Trần Ngọc