Cố Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng là một nhà nông nghiệp xuất sắc của Việt Nam, nhà di truyền học lớn của Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nguyên là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa V,VI, VII, VIII; đại biểu Quốc hội các khóa VIII, XI, XII; Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa IV và V…
Là người có 18 năm làm Chủ nhiệm Chương trình lương thực quốc gia, Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng là người quyết định thay đổi toàn bộ giống lúa năng suất thấp của Việt Nam bằng các giống lúa năng suất cao, góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Là nhà di truyền và chọn giống cây trồng, ông đã nghiên cứu 26 giống lúa được công nhận giống nhà nước; tác giả của 20 giống rau, màu; 8 giống cây ăn quả cấp nhà nước. Ông còn là tác giả của 5 quy trình kỹ thuật cấp nhà nước với cây trồng.
Về Giáo sư Hoàng Chương, tên đầy đủ là Trương Hoàng Chương. sinh ra và lớn lên tại vùng đất địa linh nhân kiệt Bình Định, cái nôi của võ thuật và nghệ thuật Tuồng, Bài chòi. Trong quá trình cống hiến, ông đã nỗ lực phấn đấu, học tập, giữ các trọng trách quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật như Viện trưởng Viện nghiên cứu Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Rumani.
Sau khi về hưu, tháng 6/2000, ông đã sáng lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, nay là Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và là Viện trưởng từ đó đến nay. Viện đã có đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, từ đó quảng bá rộng rãi ra đời sống văn hóa trong nước và nước ngoài, tập hợp được đông đảo các nhà văn hóa, khoa học, văn nghệ sĩ hàng đầu trong và ngoài nước tham gia.
Tại buổi lễ, ba nhà khoa học khác cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, gồm: Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tiến sĩ Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các nhà khoa học vinh dự được Nhà nước tặng, truy tặng danh hiệu cao quý. Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp của cố Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàn với nhiều giống lúa mới năng suất cao, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước sản xuất nông nghiệp và chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu như Việt Nam, cùng các nghiên cứu khác góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng đã cống hiến trọn đời cho khoa học, là tấm gương sáng về nghiên cứu khoa học, luôn tận tâm, sáng tạo, luôn gắn bó sát với nhân dân.
Chủ tịch nước cũng trân trọng Giáo sư Trương Hoàng Chương về những nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, đóng góp vô cùng quý giá trong bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian. Đây là tài sản vô cùng quý giá về tâm hồn, cốt cách, bản sắc của người Việt Nam ta. Dẫn ra nhận định văn hóa dân gian là văn hóa gốc, cội nguồn, sản sinh, nuôi dưỡng văn hóa dân tộc, Chủ tịch nước cho rằng, dân tộc nào giữ gìn được bản sắc văn hóa của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế.
Khẳng định, những thành tựu của đất nước ngày nay là đóng góp của nhiều thế hệ cả nước, trong đó có các nhà khoa học, Chủ tịch nước mong muốn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là nơi tập hợp, lan tỏa của các nhà khoa học Việt Nam, cả khoa học tự nhiên, xã hội, cùng nhau đoàn kết, tiếp tục cống hiến cho khoa học công nghệ nước nhà, đóng góp vào mục tiêu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhân sự kiện này, Chủ tịch nước đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút tận dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để phát triển đất nước. Tập hợp, đoàn kết trí thức trong nước và trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, khơi dậy tinh thần cống hiến, năng lực sáng tạo, tâm huyết, đóng góp xây dựng đất nước. Chủ động tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
(Theo VOV)