Quốc hội khóa XV giảm đại biểu kiêm nhiệm trong cơ quan hành pháp, tư pháp

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/7/2021 | 11:04:23 AM

Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Trước thềm kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, hôm nay (15/7), Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị diễn ra trực tuyến từ Nhà Quốc hội tới 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành với sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và lãnh đạo địa phương.

Lần đầu tiên, tỷ lệ đại biểu chuyên trách đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ,  Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng kết về cuộc bầu cử lần này, trong đó nhấn mạnh: Bộ Chính trị đã ban hành 2 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành có liên quan đã ban hành 144 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, làm cơ sở triển khai công tác bầu cử với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, tất cả vì thành công chung của cuộc bầu cử. 

Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%).

Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra...

Các cử tri cũng bầu 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã.

Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng cho rằng, cuộc bầu cử lần này còn một số hạn chế, liên quan đến công tác rà soát danh sách cử tri, nắm số lượng cử tri thường trú và tạm trú trên địa bàn ở một số đơn vị hành chính cấp xã còn chậm và gặp khó khăn do số lượng cử tri tạm trú thường xuyên biến động. Việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú. Ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định...

Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử, chẳng hạn như việc đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; việc tổ chức bầu cử sớm ở một số địa bàn khó khăn,…; thống nhất hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi và sức khỏe của người ứng cử để bảo đảm kịp thời, thống nhất.

"Hội đồng Bầu cử Quốc gia tin tưởng rằng, với niềm tin và quyết tâm mới, Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng, niềm tin yêu của cử tri và Nhân dân cả nước" – ông Trần Thanh Mẫn nói.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt

Về phía Chính phủ, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cuộc bầu cử vừa qua rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của cả nước và quốc tế; đồng thời diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đạt được nhiều thành tựu sau 35 năm Đổi mới, Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid -19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.

Trong phạm vi, thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2021; chủ động phối hợp ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về tổ chức cuộc bầu cử; kịp thời ban hành các nghị quyết, kết luận và công điện để lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch.

Song song với việc tập trung chỉ đạo công tác bầu cử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát diễn biến tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, quyết tâm, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép. Các Bộ, ngành, các địa phương theo phạm vi, quyền hạn đã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

"Khó trăm lần dân liệu cũng xong”

Tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, MTTQ Việt Nam các cấp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về bầu cử theo quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và phân công của Hội đồng bầu cử quốc gia theo kế hoạch, đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử, tạo không khí phấn khởi, đồng thuận cao trong xã hội.

"Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, thật sự là ý Đảng lòng dân, là niềm tin tuyệt đối của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ của chúng ta. Qua các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở thấm nhuần sâu sắc thêm lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong” – ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, đại diện nhiều tỉnh, thành cũng báo cáo tình hình bầu cử ở địa phương cũng như nêu nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm rút ra kinh nghiệm, bài học cho các kỳ bầu cử tiếp theo.

(Theo VOV)

Các tin khác
ĐBQH nói sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, bộ máy vẫn hoạt động hiệu quả. Ảnh: BTK

Các tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ là cơ sở cho việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Lộ trình thực hiện được triển khai thí điểm trong giai đoạn 2022 – 2026 và định hướng đến năm 2030.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Yên Bình chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất để diễn tập khu vực phòng thủ huyện.

Năm 2021, huyện Yên Bình được Ban Chỉ đạo (BCĐ) diễn tập tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) huyện. Cuộc diễn tập sẽ diễn ra cuối tháng 7.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn Yên Bái trao quà cho các hội viên Hội Cựu TNXP nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam.

15 năm qua, Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước với tinh thần "Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đạt được những kết quả quan trọng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 tại điểm cầu Hà Nội.

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC sẽ giúp khẳng định mạnh mẽ vai trò và tiếng nói của Việt Nam trong APEC, góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục