Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 15/7, đại diện nhiều tỉnh, thành báo cáo tình hình bầu cử ở địa phương cũng như nêu kiến nghị, đề xuất nhằm rút ra kinh nghiệm, bài học cho các kỳ bầu cử tiếp theo.
Tín nhiệm nơi công tác dưới 50% thì không đưa vào danh sách
Hà Nội có số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lớn nhất cả nước với 30 đơn vị hành chính cấp huyện và 579 đơn vị hành chính cấp xã; quy mô dân số khoảng 10 triệu người trong đó có 8,3 triệu người có hộ khẩu thường trú và gần 2 triệu người thường xuyên đến làm việc tại Hà Nội. Nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu là 29 đại biểu, số lượng đại biểu HĐND Thành phố là 95 đại biểu; HĐND cấp huyện là 1.054 đại biểu và HĐND cấp xã là 10.807 đại biểu.
Đề cập kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội nhấn mạnh, công tác nhân sự được rà soát, chuẩn bị từ sớm, trong đó đã xác định, lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ngay từ khâu lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp; trên cơ sở đó xây dựng đề án cụ thể để giới thiệu người ứng cử đúng thành phần, cơ cấu làm căn cứ quan trọng để tổ chức các bước hiệp thương lựa chọn người ứng cử chính thức.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội, nổi bật trong công tác hiệp thương của nhiệm kỳ này là công tác phối hợp, cung cấp thông tin về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND để tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú (và nơi công tác nếu là tự ứng cử) đối với người ứng cử. Các cơ quan liên quan phối hợp rà soát kỹ lưỡng hồ sơ nhân sự tham gia ứng cử, tổng hợp thông tin chính xác, trung thực để làm kênh thông tin quan trọng trong quá trình hiệp thương lựa chọn.
Từ thực tế vừa qua, Hà Nội đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND phù hợp với các văn bản luật khác và tình hình thực tế hiện nay. Trong đó quy định cụ thể hơn về hồ sơ của người ứng cử là đảng viên để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác bầu cử, có quy định cụ thể thành phần chủ trì và thành phần tham dự các hội nghị giới thiệu người ứng cử, nhất là ở các cơ quan đảng; rõ hơn với việc tổ chức tiếp xúc cử tri nơi cư trú hoặc nơi công tác đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trước hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để chốt danh sách người ứng cử.
"Theo hướng nếu tín nhiệm của cử tri nơi công tác dưới 50% thì không tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú và không đưa vào danh sách để hiệp thương lần thứ 3 (hiện nay mới quy định không đưa vào danh sách hiệp thương lần 3 đối với trường hợp tín nhiệm của cử tri nơi cư trú dưới 50%); quy định cơ quan nào có thẩm quyền cho rút đơn ứng cử trong trường hợp người ứng cử có đơn xin rút không ứng cử và trong trường hợp đã đồng ý cho rút đơn ứng cử thì không tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.
Công tác nhân sự Đại hội đảng và HĐND có mối quan hệ mật thiết
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng nhấn mạnh, một trong các yếu tố làm nên thành công của cuộc bầu cử là phải làm tốt công tác dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử và giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, số lượng người được giới thiệu ứng cử gấp khoảng 2 lần số lượng đại biểu được bầu là phù hợp, bởi nếu dự kiến quá nhiều sẽ gây khó khăn cho các bước hiệp thương tiếp theo; nếu dự kiến quá sát số dư tối thiểu sẽ không đảm bảo việc chọn được những người đủ tiêu chuẩn ứng cử, khó đảm bảo tỷ lệ số dư theo luật định.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, do tình hình dịch bệnh Covid-19, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng không tổ chức hội nghị hướng dẫn chung mà phân công cán bộ, công chức chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc trực tiếp đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND thành phố.
"Đây là cách làm sáng tạo, rất hiệu quả của MTTQ thành phố Hải Phòng trong cuộc bầu cử lần này. Do trực tiếp được hướng dẫn nên hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều tổ chức giới thiệu đảm bảo số lượng, cơ cấu, thành phần, lượng ứng cử viên; quy trình giới thiệu được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật…” – ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ủy ban bầu cử thành phố Hải Phòng nhấn mạnh cần chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về nhân sự, quán triệt quan điểm công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự cho HĐND các cấp có mối quan hệ mật thiết, mang tính tổng thể, liên thông và có tính kế thừa; cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử phù hợp đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu, nâng cao chất lượng đại biểu, có số dư đúng luật.
Bên cạnh việc giải quyết kịp thời tố cáo, kiến nghị của cử tri về bầu cử và người ứng cử, phải làm tốt công tác giải quyết những bức xúc nổi cộm ở địa phương; tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, liên quan đến bầu cử và người ứng cử của cấp ủy, chính quyền địa phương.
(Theo VOV)